1) Dân tộc
Tôi nhìn nhận con người chỉ đơn giản với hai câu hỏi: bạn làm được gì và bạn đã giúp được ai trong đời?
Đánh giá thế giới cũng vậy: Dân tộc ấy có những thành tựu gì và đóng góp gì cho văn minh chung nhân loại.
Tìm mỏi mắt không hề thấy có một tiện ích văn minh hôm nay có dấu ấn khai phá của người Việt. Ngoài dải chữ S chưa nơi nào nhân loại cuồng nhiệt đón chào một bản nhạc, giọng ca, điệu nhảy Việt, nghiền ngẫm tư tưởng, kỹ thuật Việt, hoặc hào hứng thưởng thức văn chương, hội hoạ, điêu khắc, chơi thể thao, võ thuật Việt…
Việt Nam vỗ ngực là nơi đánh thắng cả hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Nhưng hãy nhìn cặp đế quốc sừng sỏ Liên bang Xô Viết và Mỹ sau nhiều thập kỷ dùng đủ loại phương tiện chiến tranh hiện đại vẫn cùng ôm đầu máu nháo nhào chạy khỏi Afganistan, nơi tổ chức xã hội còn theo mô hình bộ lạc. Cũng cần hiểu rằng nếu không có các phương tiện của chiến tranh hiện đại như súng đạn, pháo, tên lửa, xe tăng… mà các thế lực văn minh dúi vào tay người Việt thì sẽ không thể có chiến thắng thực dân, đế quốc gì ở đây cả.
Giương cao cờ giành quyền dân tộc tự quyết thì hàng loạt các nước Nam Mỹ như Venezuela, Ecuador, Paraguay, Argetina, Chile, Peru, Mexico, Bolivia liên tiếp giành độc lập từ năm 1811 tới 1825, trước cả khi người Pháp nhẩy vào Việt Nam.
Việt Nam tuy có lịch sử cả vài ngàn năm mà chỉ luôn ăn theo, đứng bên rìa văn minh và không thấy có đóng góp gì vào những bước tiến lớn hay nhỏ cho văn minh chung nhân loại hôm nay.
Xã hội có đủ loại người thì thế giới cũng vậy. Không phải chỉ riêng Việt Nam yếu văn minh. Có ném đi hết cả cái gọi là nền văn minh Trung Hoa, theo nhiều góc cạnh là một đốm sáng cuả châu Á thì nhân loại hôm nay cũng chả vì thế mà tối đi phần nào. Người hàng xóm phương Bắc tuy đất rộng người đông, lịch sử dài hơn vô số lịch sử nhiều dân tộc văn minh khác cộng lại mà không góp nổi cho nhân loại một tôn giáo quốc tế, một tư tưởng khai phóng, một văn hoá bao dung, mô hình quản trị quốc gia hay kỹ thuật tân tiến.... (Có tư liệu rằng giấy là do người Trung Quốc phát minh từ đầu Công Nguyên, nhưng thực sự công nghệ giấy làm từ gỗ, đột phá văn minh, công cụ hữu hiệu truyền tải tri thức cho nhân loại là do người Châu Âu phát minh vào thế kỷ 19)
Ferdinand Magellan người Bồ Đào Nha với cái thuyền buồm gỗ thô sơ Nao Victoria vào ngày 20/9/1519 đã lên đường vòng quanh thế giới. Nước ông, một nước nhỏ con bên rìa Châu Âu, diện tích chưa bằng một phần trăm (0.96%) và dân số đến hôm nay cũng chỉ nhỉnh hơn nửa phần trăm (0.6%) dân số Trung Hoa mà từ năm thế kỷ trước, khi kỹ thuật hàng hải còn rất loạng quạng, đã phát hiện ra Brazil, biến một khối dân và lãnh thổ lớn gấp nhiều chục lần mình nói tiếng Bồ, theo văn hoá Bồ và rồi còn khám phá và khai sáng văn minh ra nhiều điểm khác của nhân loại. Macao-Trung Hoa là một ví dụ. Được người Bồ khai sáng từ năm 1557 giờ vẫn là khu vực có thu nhập bình quân đầu người cao thứ hai thế giới.
Trung Hoa dẫu sở hữu bờ biển dài mà suốt mấy ngàn năm chỉ thấy quẩn ở xóm nhà. Tận thế kỷ XXI vẫn tranh có mấy cái đảo nhỏ ở chân nhà Nhật Bản, Việt Nam.
Sao có những dân tộc khai phá văn minh, truyền bá văn minh, song hành được dài hơi cùng văn minh? Có dân tộc luôn ăn theo, ăn bám, hoặc thậm chí đi giật lùi trước văn minh?
3) Giới tinh hoa
Nhiều người từng nằm lòng mớ lý thuyết mị dân cánh tả: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Thực ra cách mạng chỉ là nơi quần chúng bị thúc đẩy thí mạng triệt để mà thôi. Dù phát triển theo con đường tiệm tiến hay cách mạng thì vị trí cao thấp của mỗi dân tộc được định đoạt bởi giới tinh hoa. Tầm vóc thực sự của mỗi dân tộc, không nằm ở lãnh thổ hay dân số mà là ở kích cỡ của giới tinh hoa.
Để huỷ diệt một dân tộc, đơn giản nhất, là triệt tiêu giới tinh hoa của nó! Hỏi sao các vương triều Trung Hoa không ngừng đòi Việt Nam phải cống người tài?
Vì sao dân tộc Việt trưởng thành chậm? Câu trả lời thật đơn giản: Vì giới tinh hoa của nó quá ít ỏi lại quá kém cỏi so với giới tinh hoa của các dân tộc văn minh khác.
Vậy thế nào là giới tinh hoa? Giáo sư đại học có phải là giới tinh hoa? Thực tế là không cứ gì các giáo sư, tiến sỹ giấy tại Việt Nam mà rất nhiều giáo sư đại học của Mỹ, Canada vẫn… rất dốt. Vậy giới đa triệu phú, tỷ phú có phải giới tinh hoa? Rất nhiều khối tài sản không thấy ánh lên mấy hàm lượng trí tuệ mà chỉ sặc mùi cướp bóc, tham nhũng, vơ vét…Giới chính trị gia có phải là giới tinh hoa? Rất nhiều chính khách gây thảm hoạ cho dân tộc họ và nhân loại…
Tạm làm một định nghĩa sơ khởi: tinh hoa là giới thúc đẩy được sự tiến bộ chung của cộng đồng. Vậy mảnh đất nào, cơ chế quản trị nào dung dưỡng được nhiều tinh hoa, ở đó sẽ thăng tiến.
4) Người Pháp
Người Việt thường nghĩ rằng dân Việt hiếu học. Hiếu học, sao chưa một vị vua chúa nào của Việt Nam đáng gọi là có học so với nhân loại? Tổng thống Thomas Jefferson, năm 1815, bán khoảng 10 ngàn đầu sách từ tủ sách riêng của ông cho Quốc Hội Mỹ. Năm 1837, thiếu nữ 18 tuổi đã thông thạo 5 ngôn ngữ, Victoria, lên ngôi Nữ hoàng Anh. Triều Nguyễn, tận cuối thế kỷ XIX (1863) vẫn ngây ngô trước báo cáo sau chuyến đi Pháp của Phan Thanh Giản. Văn hoá ngàn năm chỉ thấy Văn Miếu Quốc Tử Giám, tôn thờ Khổng Tử. Khổng Tử không có lỗi gì ở đây cả. Tệ là các triều đại Việt cũng như Hoa vì lợi ích của mình vin vào ông, bắt cả hai dân tộc trong mấy ngàn năm nhai đi nhai lại mãi một gia sản chữ nghĩa có sáu đầu sách, nơi không giải quyết bất cứ vấn đề cơ bản nào của triết học như các nhà hiền triết Hi Lạp. Bàn luận những vấn đề từ 500 năm trước Công Nguyên. Hướng dân chúng theo cách Khổng Tử là cả đời rèn luyện để mong được vua chúa để mắt đến, được làm thuê. Nhân tiện đây cũng mở ngoặc luôn là nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay cũng theo hệt cách các vương triều Việt trước, chỉ khác là họ thay Khổng Tử bằng Marx Lênin Hồ Chí Minh và buộc thế hệ trẻ phải sống ngược lại cùng học thuyết của thời tiền tư bản.
Chỉ chưa tới 60 năm (từ 1884 khi Pháp bắt đầu bảo hộ tới lúc Nhật vào 1940) dù vấp đủ các phong trào kháng chiến, Pháp vẫn kịp lột xác cả một dân tộc tự cho là có hàng ngàn năm văn hiến. Sự tàn ác của người Pháp theo nhiều tài liệu là khủng khiếp, nhưng người Việt cần biết là không có người nào giết người Việt nhiều bằng chính người Việt.
Trong có mấy chục năm mà người Pháp đặt nền móng văn minh cho dân tộc này vững vàng hơn cả ngàn năm người Việt quản trị người Việt.
Họ vạch chu đáo biên giới trên bộ, trên biển, địa giới các tỉnh, lập đường bộ, đường sắt, đường không. Qui hoạch các ngành công, nông, lâm, thương nghiệp qua việc xây cảng, cầu, đường, nhà máy, mỏ, đồn điền… Cải tổ đất nước này từ đầu đến cuối, từ gốc tới ngọn. Mở từ trường phổ thông tới cao đẳng, bệnh viện, các di tích khảo cổ được khai quật và bảo tồn… Trong một thời gian ngắn kỷ lục nền móng của văn minh thực thụ được thiết lập. Vài Toàn quyền Pháp đáng phải có tên đường hay tên thành phố trên toàn Việt Nam vì có công trạng mở đường khai hoá dân tộc này hơn tất cả các triều của người Việt cộng lại. Một ví dụ để tham khảo là người hàng xóm phương Đông vẫn giữ tên vua Phillip của nước nô dịch mình hơn 300 năm làm tên nước.
Nhưng hơn tất cả, dưới tay người Pháp, giới tinh hoa của Việt Nam nở rộ, phong phú chưa từng thấy. Từ khoa học, kỹ thuật, kiến trúc, thương nghiệp, ngôn ngữ, văn học, luật pháp, triết học, báo chí, hội hoạ…giới tinh hoa Việt Nam với đủ các mảng ra đời. Tuy chưa vươn đến tầm sáng tạo ở đẳng cấp quốc tế, nhưng ít nhất họ đã ở tầm hiểu được nhân loại trên nhiều phương diện và đang trên đà phát triển.
Vì sao điều kỳ diệu ấy lại xảy ra dưới một nền quản trị bị gọi là thực dân? Vì bà đỡ của văn minh là tự do. Người Pháp trên cương vị kẻ cai trị đã mở ra cho người Việt khung trời tự do rộng lớn mà chưa một triều đại nào của người Việt mở ra nổi cho người Việt. Không thể ý vua là tất cả, sa xểnh là chu di tam tộc, xa giá của vua đi qua dân tình phải đóng cửa, quần thần phải sụp xuống trước mặt vua tấu trình (bẩm báo) mọi chuyện, thí sinh bị đánh trượt nếu phạm huý…
Không có ánh sáng văn minh rọi đến thì đàn ông vẫn tự chủ đóng khố, lê guốc gỗ, đàn bà vẫn nhai trầu, mặc yếm, đi vệ sinh chùi bằng que và nhà nhà vẫn ung dung tự tại con trâu đi trước cái cầy theo sau bì bõm co cụm trong những luỹ tre làng... Hãy nhìn Sài gòn, dù là đầu tàu kinh tế của một nước dân số đứng thứ 15 thế giới vẫn là nơi bẩn thỉu, lộn xộn bậc nhất của nhân loại hôm nay.
5) Văn minh
Văn minh phương Tây đứng trên ba cột trụ là tính khai phá, tính hệ thống, và tính phổ thông. Giới tinh hoa luôn mở đường khai phá, luôn tìm tòi cái mới, hệ thống lại rồi phổ thông hoá. Cứ như vậy xã hội tiến lên, người sau cất bước cao và xa hơn người trước.
Một ví dụ nhỏ về tính khai phá: mấy cố đạo châu Âu tới Việt Nam, lập tức tìm hiểu ngôn ngữ Việt, rồi tạo ra bước đột phá ngôn ngữ, sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt mới, dễ học, dễ hiểu, dễ truyền bá, điều mà cả vài ngàn năm giới tinh hoa Việt không làm nổi. Cũng nhờ tính phổ thông hoá của văn minh phương Tây mà người Nhật biến thành Phù Đổng, họ hất cẳng người Pháp chỉ trong một đêm tại Đông Dương năm 1945. Nhiều dân tộc Á Đông khác rũ nghèo đứng dậy công nghiệp hoá trong có mấy chục năm. Hào phóng đến kỳ diệu, các dân tộc ăn theo văn minh nhưng nếu chịu học một cách hệ thống vẫn có thể chạm đỉnh thậm chí vượt trội.
Để đến bến văn minh thực thụ, cần khung trời tự do cho giới tinh hoa, tức cũng cho toàn xã hội. Tư duy độc tài là chụp mũ tất cả những lực lượng khác mình là lực lượng thù địch, phải bôi đen, giam giữ, kìm hãm, thủ tiêu. Tư duy dân chủ là xếp tất cả những lực lượng khác mình là lực lượng đối lập, cần đối thoại, cọ xát, cùng vận động tìm sự thăng hoa.
4) Dân chủ
Độc tài và dân chủ là hai phương thức quản trị từ gia đình tới xã hội. Độc tài là con đường truyền thống của nhân loại, nhưng khi thấy tiêu hao quá nhiều sáng kiến và nhân tài trong những nền độc tài mù quáng thì nhân loại tính tới phương án cùng cạnh tranh, cùng tồn tại, tức chấp nhận nhau, tận dụng nhau, và giải pháp dân chủ ra đời. Dân chủ nói theo cách đơn giản nhất là nới rộng khung trời tự do, và khi nới rộng ra bao nhiêu thì quyền của mỗi cá nhân (human rights) lớn theo lên bấy nhiêu. Để giảm thiểu va đập xã hội khi quyền của mỗi cá nhân ngày càng lớn thì xã hội phải đi tới việc quản trị theo luật pháp (rule of law).
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế dân chủ chỉ thực sự được sinh ra bởi những nền độc tài minh trị, hoặc khi các lực lượng trong xã hội tương xứng nhau. Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội phát triển dân chủ khi có hai lực lượng khá cân sức nhau cả ở hai đầu đất nước. Cộng hoà Miền Nam Việt Nam sụp đổ lại một lần nữa kéo dân tộc Việt lộn lại chọn giải pháp dân tộc trước văn minh.
Vậy khi phải chọn lựa giữa dân tộc và văn minh dân chúng hôm nay sẽ chọn cái gì? Thực tế là Văn minh ngày càng được chuộng hơn Dân tộc. Từ nhiều thập kỷ nay người Việt tìm mọi cách ra nước ngoài, người Việt sính đô la, hàng ngoại, người Việt coi thường người Việt nhưng dúm dó trước người da trắng… Những điều đó nói lên sức hút mãnh liệt của văn minh. Đều cùng kinh qua chiến tranh tang thương sao Việt ghét Tàu mà lại yêu quí Pháp, Mỹ? Vì Pháp, Mỹ là văn minh, cái mà Tàu còn lâu mới có. Nếu người hàng xóm phương Bắc của Việt Nam có trình độ văn minh ngang nước Nhật, nước Mỹ hôm nay thì người Việt sẽ bớt thù Tàu và ào sang đó. Người Việt đã tràn sang Đài Loan, Hồng Kông, những vùng văn minh gốc Tàu. Ba Lan, trong lịch sử, tan tác bởi Đức vậy mà nhiều triệu người Ba Lan vẫn tìm đường sang Đức. Bị Mỹ nuốt trọn nhiều bang trù phú miền Bắc vậy mà nhiều triệu người Mexico vẫn tìm đủ mọi cách di tản lậu sang Mỹ…
Dân tộc là bảo tồn được tính toàn vẹn, văn minh là bứt phá và thăng hoa. Dân tộc và văn minh trong lịch sử nhiều khi loại trừ nhau. Suốt nhiều thế kỷ trước quá trình văn minh hoá trên toàn cầu diễn ra rất chậm chạp. Vì vậy dù bị Tàu, Pháp, Nhật đô hộ hay tự quản Việt Nam vẫn luôn tồn tại như một dân tộc.
Nhưng thời thế đã đổi thay, trong buổi toàn cầu hoá hôm nay, tự do cho giới tinh hoa để văn minh hoá là giải pháp duy nhất bảo tồn bất cứ dân tộc nào.
Phạm Ngọc Cương(Ca -Na -Đa )
Phạm Ngọc Cương(Ca -Na -Đa )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét