Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Tệ nạn tham nhũng ở nước ta

 Trước năm 1990, tức thời bao cấp, công chức nhà nước liêm khiết, đạo đức, gương mẫu hơn nhiều. Họ sống cũng khổ lắm vì đồng lương eo hẹp, tiêu chuẩn tem phiếu lương thực, thực phẩm chỉ đủ để tồn tại thôi. Ngay cả cán bộ cao cấp cũng chỉ được mua 3,50 kg thịt/tháng. Ai cũng biết mình khổ, thiếu chất nhưng không có ý định đi buôn lậu hay tham ô. Mặt khác, số sản phẩm xã hội làm ra quá ít nên không có dư thừa để cho ai đó dễ tham ô.
Trước năm 1975 thì cán bộ còn gương mẫu hơn nữa. Cả nước bị tuyên truyền nhồi sọ về cái chủ nghĩa Marx – Lenin không tưởng nên không ngớt mơ tới nó. Mặt khác, do thiếu thông tin nên họ bi ảnh hưởng bởi chính sách tuyên truyền dối trá, vu khống, bóp méo của đảng, cho là Mỹ xâm lược VN thật, “Ngụy” bán nước thật, VNCH tồi tệ thật… nên nghiến răng lại quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” để có hòa bình, để xây dựng CNXH, rồi sung sướng như Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. 

Nếu như thời chiến, người ta tạm quên đi những nhu cầu bình thường như ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, dùng đồ xịn, chỉ cần có những thứ tối thiểu để tồn tại, thì trong thời bình, điều đó trở nên cấp bách, tha thiết, thành niềm ước mơ cháy bỏng của mỗi người. Khi có điều kiện, kể cả bất hợp pháp, người ta sẽ cố biến ước mơ đó thành hiện thực.
Sau năm 1990, cùng với kinh tế thị trường, cơ hội tham ô, tham nhũng xuất hiện nhiều. Rồi những kẻ tham nhũng lại giàu có, sung sướng nên nó cứ như chất kích thích làm cho cán bộ, công chức khác tìm mọi cách để tham nhũng, tham từ tiền công, từ dự án, từ tiền hối lộ tự nguyện hay không tự nguyện của dân. Tham nhũng trở thành bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt. Người dân thì, chả khác gì thời phong kiến, với quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy” sẵn sàng hối lộ cho được việc, cán bộ được hối lộ lại càng hăng hái tạo ra cơ hội để nhận hối lộ…
Đó là vòng luẩn quẩn kìm giữ nhau, làm tha hóa đạo đức truyền thống, làm băng hoại xã hội. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, quan to ăn to, quan nhỏ ăn nhỏ, đảng chỉ hô hào suông chứ không thực tâm chống tham nhũng, và vì thế đảng đã mất sạch niềm tin trong dân. Cán bộ đảng giàu nhưng đảng đang chết dần chết mòn, chỉ có những kẻ tự huyễn hoặc mình mới không nhìn thấy “nguy cơ cho sự tồn vong của đảng” .
Thật hài hước khi mới đây, báo chí “lề phải” đăng công khai là, ở hai thành phố lớn nhất nước, không phát hiện ra trường hợp tham nhũng nào. Vậy dễ thường tham nhũng chỉ hiện diện ở những địa phương, thành phố hàng tỉnh, hàng huyện, ở vùng sâu, vùng xa chắc? Bây giờ  có thể khẳng định là ĐCSVN không đủ tư cách lãnh đạo, điều hành đất nước, xét cả tư cách đạo đức lẫn năng lực chuyên môn.
Tóm lại, trước đây cán bộ, đảng viên có hay không có chức quyền đều đạo đức, gương mẫu, họ chỉ cuồng tín, nhẹ dạ cả tin thôi, còn bây giờ thì đảng viên có chức quyền chỉ là một lũ mafia xôi thịt mà thôi. Cái gọi là ĐCSVN sẽ bị tiêu vong theo qui luật như ở các nước XHCN Đông Âu. Có điều, chả ai có thể tiên đoán được là nó sẽ vong kiểu gì, như thế nào và bao giờ?
 Trước năm 1975, tệ nạn tham nhũng hoành hành ở miền nam là vì miền nam … giàu có hơn. Giàu nhờ được Mỹ viện trợ, giàu nhờ nền kinh tế thị trường đã hình thành và phát triển khá tốt ngay cả trong chiến tranh. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, mô hình đa đảng, dân chủ tự do sơ khai còn bộc lộ nhiều kẽ hở để cho những cá nhân quan chức cả dân sự lẫn quân sự tham ô, thu vén cho cá nhân, gia đình, phe nhóm. Chính điều đó đã làm cho nhân dân bị phân hóa, mâu thuẫn và cả bất bình. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho Việt Cộng lợi dụng tuyên truyền, hạ nhục đối phương.
Nhiều người vẫn cho rằng, tham nhũng dưới thể chế VNCH là tham nhũng tiền viện trợ của Mỹ và các nước phương Tây chứ không phải như tham nhũng ngày nay ở nước ta. Tham nhũng thời nay là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ăn cướp của dân, của nước, làm giàu cho cá nhân mình, gia đình mình, phe nhóm mình.  So sánh tham nhũng thời trước ở miền nam với tham nhũng thời nay ở nước ta là rất khập khiễng. Mà nói chung, ở mọi quốc gia trên thế giới này đều tồn tại tham nhũng, chỉ khác nhau ở mức độ và cơ chế, cách thức chống lại nó thôi.
Trong một nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập thì bất cứ ai, dù đang giữ chức vụ gì đều có thể bị khởi tố, điều tra, truy tố. Ở VN hiện nay: Chỉ có quan chức đảng viên có chức quyền mới có thể tham nhũng nhưng ít khi một ai đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Trước đây, đảng đem thí tốt để lừa mị nhân dân, còn thì chả bao giờ đụng chạm đến “xe, pháo, mã”, đến “sâu bự”. Từ ít năm nay, có phát động công cuộc chống tham nhũng, cũng xử được một số quan chức, sỹ quan cao cấp nhưng  đó là chuyện đấu đá trong nội bộ đảng.( Phe TBT đảng đánh phe Ba Dũng thời trước).
Tham nhũng đã làm cạn kiệt mọi nguồn lực của đất nước, làm cho nhân dân chán nản và căm ghét đảng, căm ghét chế độ, tham nhũng diễn ra ở mọi ngành, mọi nghề trên cả nước nên nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến chuyện “tình hình xã hội ngày càng tệ” .
Khi ĐCSVN không thực lòng muốn chống tham nhũng, tức là lấy tay phải chặt tay trái, lấy chân phải đá chân trái của chính mình, thì chỉ có sự sụp đổ kinh tế mới có thể kéo theo sự sụp đổ của thể chế chính trị độc tài toàn trị này mà thôi. Tất nhiên, nếu như phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ hóa của nhân dân lên cao thì quá trình suy sụp của ĐCSVN càng đến gần hơn, đến nhanh hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét