Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Nghĩa và tình công và ơn

25-9-2018




Ông Trần Đại Quang. Ảnh: AP

Từ lúc ông Trần Đại Quang – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua đời đến nay, mạng xã hội và các diễn đàn điện tử tại Việt Nam càng lúc càng nóng, số người bày tỏ sự thương tiếc ông Quang càng lúc càng giảm.
***
Cuối tuần vừa qua, một số facebooker đã sử dụng “nghĩa tử là nghĩa tận” như một đặc thù của văn hóa hoặc “khẩu nghiệp” như một yếu tố răn đe, nhằm đáp trả sự phấn khích của nhiều người sử dụng mạng xã hội trước tin ông Quang qua đời.
Tranh cãi trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử lại bùng lên giống như dùng dầu chữa cháy. Những ý kiến kiểu như “muốn thiên hạ có ‘nghĩa’ với mình khi mình chết thì tối thiểu khi còn sống cũng phải có ‘nghĩa’ với thiên hạ” (1), kèm theo hàng loạt dẫn chứng khi còn sống, ông Quang và các đồng chí, đồng đội đã hành xử bất nhân, bất nghĩa (cưỡng đoạt tài sản của nhiều triệu người; không đàn áp những người kêu oan thì cũng dửng dưng, bỏ mặc họ; trấn áp những cá nhân bày tỏ mong muốn cải tổ một cách ôn hòa; thậm chí hành xử thô bạo trong rất nhiều đám tang, kể cả đám tang của những người đã từng là đồng chí, đồng đội chỉ vì cuối đời, họ bất đồng quan điểm với hệ thống chính trị đương thời,…) đã khiến nhóm muốn dùng “nghĩa tử là nghĩa tận” như một đặc thù của văn hóa để ngăn chặn những chỉ trích ông Quang ngậm tăm. Tương tự, răn đe về “khẩu nghiệp” cũng bị vô hiệu hóa vì giáo lý Phật giáo không bao giờ dạy cẩn ngôn, tránh “khẩu nghiệp” là câm nín trước điều ác, điềm nhiên tọa thị trước bất công (2).
Dường như chưa bao giờ, xung đột do bất đồng về cách nhìn đối với “nghĩa” và “tình” giữa người Việt với nhau gay gắt đến thế và cũng chưa bao giờ, tranh cãi về “nghĩa” và “tình” thẳng thừng, rõ ràng, rạch ròi như thế.
***
Tranh luận về “nghĩa” và “tình” quanh cái chết của ông Quang vừa lắng xuống thì dư luận lại bùng lên trước quy mô của một số lễ cầu siêu cho ông Quang ở Sài Gòn (3), Ninh Bình (4). Thiên hạ, trong đó có không ít cá nhân là Phật tử thuần thành, hệ thống những chuyện ông Quang từng làm hoặc từng tham gia với vai trò chủ đạo (đàn áp người thiểu số đòi quyền sống ở Tây Nguyên; hàng trăm cá nhân chết bất thường trong đủ loại cơ sở của ngành công an, những oan án…), kèm thắc mắc, một người như ông Quang có thể siêu thoát không? Nếu có thì còn gì là quy luật nhân – quả? Nếu sống ích kỷ, tham lam, gian dối, cướp bóc, sát sinh, làm toàn điều ác, chỉ cầu siêu mà được siêu thoát thì tu làm gì, hiểu lời Phật dạy về tu, về nhân quả thế nào? Viện dẫn vũ trụ vốn vận hành theo nhân – quả, nghiệp chúng sinh cũng do nhân – quả tự tạo, tự thành, tự luân hồi vận chuyển, Phật không thể gánh thay nhân quả cho chúng sinh – một số facebooker, vốn đang tu tập xem các lễ cầu siêu cho ông Quang là chuyện của những “ma tăng nói láo” (5).
Cho dù hệ thống truyền thông chính thức cố gắng “giải độc dư luận” bằng một số bài viết, khắc họa ông Quang như một con người thông minh, ham học, khiêm tốn, giản dị, hữu công với quốc gia, dân tộc nhưng tất cả những nỗ lực ấy trôi tuột như nước đổ đầu vịt. Những chi tiết tưởng như đắt giá về “cuộc đời, sự nghiệp” của nhân vật từng là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, thay đèn để dùi mài kinh sử,… không chỉ bị xem là hoang đường mà còn bị xem là bôi nhọ Thiên đường Xã hội chủ nghĩa. Chẳng lẽ vào thập niên 1960, văn minh ở miền Bắc Việt Nam chỉ ngang với thế kỷ 13 – thời của Mạc Đĩnh Chi mà theo dã sử, quá đói khổ nên không thể làm khác (?).
Tương tự, dù nỗ lực truy tìm, thu thập ý kiến thầy cũ, bạn cũ của ông Quang thành công, thiên hạ vẫn không tin ông “khiêm tốn, giản dị”. Nếu thực sự “khiêm tốn, giản dị”, chẳng ai dụng công, chuẩn bị xây lăng cho mình “cách nay vài năm”. Chưa kể cách nay vài năm, sau khi ông Quang dựng xong nhà thờ tổ, thiên hạ còn thấy trước nhà thờ tổ này tấm bảng ghi “Đền Quang Thiện – Thờ những người có công với đất nước” (6). Nếu thực sự thông minh, hiểu thời cuộc, không ai biến mình thành bia cho thiên hạ đàm tiếu như vậy.
Qui mô, hình thái khu đất vốn là “thượng đẳng điền” (đất ruộng loại màu mỡ nhất) ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình bị “dồn thửa cách nay vài năm”, sau đó được san ủi, xây tường, làm kè, bắt ba cây cầu đá, mở đường,… dùng để táng ông Quang, khiến người ta buộc phải gọi đó là “lăng”. Lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do chính ông ta chuẩn bị đã vô hiệu hóa tất cả những lời ca ngợi về các đức tính đáng nhớ của ông ta. Nếu cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam, cố Chủ tịch Nhà nước Việt Nam thật sự liêm khiết thì lấy đâu ra tiền để làm lăng?
Nếu tất cả công dân đều phải “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thì tại sao ông Quang và chính quyền tỉnh Ninh Bình không tuân thủ Điều 162 của Luật Đất đai hiện hành: Sử dụng đất làm nghĩa trang phải đáp ứng các điều kiện như phải quy hoạch thành khu tập trung. Phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Phải xa khu dân cư. Phải hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất? Ai sẽ kiểm tra – công bố xem Lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có phù hợp với quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Ninh Bình? Trước nay, hệ thống truyền thông chính thức, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam đã lên án, xử lý cả ngàn trường hợp biến đất nông nghiệp thành nghĩa trang (có thể dùng google với từ khóa “đất nông nghiệp thành nghĩa trang” để tham khảo), tại sao đồng loạt im lặng, làm ngơ khi đất nông nghiệp bị biến thành Lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Thậm chí còn điều động nhân lực, chi tiền trải nhựa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng con đường chạy qua lăng, bảo vệ trật tự cho công trường để kịp táng ông Quang cho đúng lịch!
Phải chăng đó là đặc điểm của một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” theo định hướng xã hội chủ nghĩa và bất kể thế nào thì cả trăm triệu người vẫn phải cắn răng mang “ơn” những kẻ dẫn dắt họ đi trên con đường đó? Ngày mai, Quốc tang bắt đầu, sau Lễ viếng tại Nhà Tang lễ Quốc gia trong suốt ngày 26 tháng 9, ngày 27 tháng 9 sẽ có Lễ Truy điệu và di quan về an táng tại lăng. Toàn bộ chi phí cho hoạt động rầm rộ này tất nhiên do cộng đồng những người thọ “ơn” gánh chịu dù họ có ưng hay không.
Chú thích


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét