18-5-2016
LỜI NÓI ĐẦU
Có lần, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện bảo tôi:
– Nhiều người khuyên Nguyễn Khắc Viện nên viết hồi ký. Nhưng tôi nghĩ, mình chưa một lần bị đi tù. Chưa một lần cầm súng ra trận thì có gì để mà viết hồi ký…
Cứ như lời ông Viện thì đời tôi, không đáng một xu, vậy có gì để mà viết hồi ký, hồi ức cho thiên hạ cười chê (!)
Nhưng bạn bè nhiều người lại khuyên Lê Phú Khải nên viết một cuốn hồi ký, không thì phí đi (!)
Chả là, trong lúc vui vẻ, tôi thường kể cho bạn hữu nghe những chuyện “cười ra nước mắt” của dòng họ tôi, hoặc những nhân vật mà suốt cuộc đời 40 năm làm báo tôi được tiếp cận, làm việc. Toàn là những “nhân vật lịch sử”, những chuyện đáng ghi lại. Mà những nhân vật đó lại không thích hoặc không có điều kiện để ghi lại. Bạn bè khuyên tôi nên viết lại những chuyện mà tôi biết…
Chẳng hạn, như chuyện ông nội tôi làm vaguemestre (nhân viên bưu chính) cho Toàn quyền Đông Dương như thế nào? Ông nội tôi theo Toàn quyền Maurice Long và vua Khải Định đi hội chợ Marseille năm 1922 và phiên dịch cho Khải Định trong chuyến đi ấy như thế nào? Hay là, chuyện chú tôi, tướng Lê Hữu Qua (Lê Phú Cường) có thời gian lái xe và làm garde-corps cho cụ Hồ những năm đầu Cách mạng Tháng Tám như thế nào? Hoặc, một người chú khác của tôi là nhà báo Lê Phú Hào làm phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ và Kissingertại hội đàm Paris như thế nào? Hoặc chính tôi, từng tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những chuyến đi công cán tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau này, ông Kiệt thường kêu tôi đến nhà riêng khi ông đã thôi làm Thủ tướng, để nói chuyện, tạm gọi là “tâm sự” như thế nào? Hoặc chân dung những nhà đấu tranh dân chủ mà tôi có dịp tiếp kiến, giao du như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu…