Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Thực tiễn là chân lý



                                      
Nguyễn Trọng Vĩnh *


Trước hết phải nói rằng không những đảng viên có chức có quyền, càng cao thì tham nhũng càng lớn, uy tín của Đảng giảm sút, lòng tin của dân đối với Đảng mất dần. Nhà nước và nhân dân tôn vinh Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, chứ không ai tôn vinh Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng.

Sau đổi mới năm 1986, “Kinh tế có bước phát triển, nhưng đó là so với điểm xuất phát thấp của chúng ta, nếu so với bạn bè trên thế giới và ngay trong khu vực thì còn chậm phát triển và còn nghèo lắm”, đúng như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói. Tôi xin nói thêm là: Tụt hậu khá xa. Đời sống nói chung có cải thiện so với thời bao cấp, có một số thành tựu trong xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu, sân bay, bến cảng, chỉnh trang đô thị, có một số khá ngoạn mục như thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, … Tuy nhiên, so thành tựu với sai lầm, tổn hại thì sai lầm tổn hại nhiều gấp mấy lần, làm cho dân nghèo, nước yếu.
Từ Hội nghị Thành Đô, nhất là từ Đại hội IX đến nay, lãnh đạo, điều hành kinh tế biểu hiện nhiều sai lầm yếu kém: cho Trung Quốc vào khai thác boxit Tây Nguyên, phá nát môi trường, gây ô nhiễm di hại lâu dài cho dân, đương gặp khó khăn về vận chuyển, sống dở chết dở; bán rừng và để chặt phá tan hoang rừng đầu nguồn gây lũ lụt lớn thường xuyên; cưỡng chế lấy đất của nông dân quá nhiều giao cho giới đầu tư địa ốc làm giầu, hàng vạn nông dân mất ruộng, thất nghiệp sống vật vờ; nay hàng vạn căn hộ thừa ế; hàng chục vạn doanh nghiệp tư nhân phá sản hoặc ngừng sản xuất, hàng triệu lao động không có việc làm; các Tập đoàn kinh tế nhà nước đại đa số vừa thua lỗ vừa tham ô thất thoát của nhà nước hàng trăm ngàn tỉ đồng; mỗi năm nhập siêu hàng chục tỉ USD; nợ xấu ngân hàng rất lớn; nợ công và nợ nước ngoài chồng chất đến mức nguy hiểm. Có chuyên gia kinh tế nổi tiếng người nước ngoài nói: “Kinh tế Việt Nam đã tụt xuống đến đáy”. Thêm vào đó, văn hóa đạo đức suy đồi, trật tự xã hội hỗn loạn.

Không có tự do, dân chủ: cấm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, cấm tụ tập đông người (từ 5 người trở lên!), cấm biểu tình yêu nước, cấm công nhân đình công tự phát, cấm dân oan khiếu kiện tập thể, cấm trí thức phản biện, cấm báo tư nhân, cấm đảng viên cùng ký khiếu kiện cùng với dân dù quyền lợi cũng bị xâm phạm như dân, cấm đảng viên không được tự do ứng cử vào Quốc hội và các cơ quan dân cử, không cho người trên 60 tuổi được ứng cử vào Quốc hội (trừ quan chức cao cấp trong Đảng và chính quyền), hạn chế công dân ngoài Đảng chỉ được 15% trong Quốc hội, còn lại toàn là đảng viên, chủ yếu là đảng viên là người có chức quyền các cấp, hóa ra Quốc hội là “Đảng hội”. Phá, quấy rầy, uy hiếp những chủ trang mạng mà nhiều người truy cập, nghị định 72 cấm thông tin trên các trang mạng internet, bắt bớ, bỏ tù các “bloggers” dám phê phán sai trái của chính quyền, dám đấu tranh đòi dân chủ, đòi đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi bỏ Điều 4, quy chụp cho họ là chống nhà nước v.v… Phần lớn những điều cấm ấy là vi phạm Hiến pháp. Thế mà bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói rằng: “Xã hội ta dân chủ gấp vạn lần xã hội tư bản”, trong khi bà nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói rất đúng rằng: “Hòa bình và độc lập rồi, trong xây dựng đất nước phải có tự do dân chủ thì mới có điều kiện phát triển đất nước mang lại hạnh phúc cho mọi người”. Tình hình không có tự do, dân chủ như kể trên là cơ sở để ông Lê Hiếu Đằng và nhiều nhân sĩ trí thức nói: “Đảng Cộng sản độc tài toàn trị”.

Từ Đại hội IX đến nay, trong lãnh đạo  thiếu ý chí, tự chủ tự cường, bị Trung Quốc khống chế, lệ thuộc họ.

Với thủ đoạn lừa phỉnh “16 chữ, 4 tốt” và sợi dây trói “cùng chung ý thức hệ”, nhà cầm quyền Trung Quốc cấm ta không được nhắc đến cuộc xâm lược tháng 2/1979, tàn phá và giết hại đồng bào các tỉnh biên giới của ta; hàng năm không được tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong trận chiến đó và hơn 60 cán bộ, chiến sĩ hi sinh năm 1988 trong trận đánh của Trung Quốc để cướp các bãi đá trong quần đảo Trường Sa của chúng ta; trong đàm phán biên giới và vịnh Bắc bộ, họ ép ta và ăn lấn được rất nhiều đất và biển của chúng ta; họ tùy tiện can thiệp vào nhân sự nội bộ của ta.

Trên biển Đông, họ mặc sức hành động ngang ngược, bắt, đánh đắm tàu cá, xua đuổi, bắn ngư dân ta trong vùng đặc quyền kinh tế và trong ngư trường truyền thống quanh quần đảo Hoàng Sa của chúng ta, cắt cáp tàu Bình Minh và tàu Viking II hoạt động trong lãnh hải của chúng ta, cho người vào “nuôi cá” trong vịnh Cam Ranh để nghiên cứu khảo sát quân cảng quan trọng bậc nhất Đông Nam Á và là địa bàn xung yếu của ta. Mỗi khi Trung Quốc có hành động bạo ngược ở biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta cũng phản đối lấy lệ, không dám triệu tập Đại sứ của họ lên Bộ ngoại giao để trao công hàm phản đối mà chỉ trao cho cán bộ sứ quán của họ, không như họ làm đối với tôi khi tôi làm Đại sứ nước ta bên nước họ. Trên tờ “Hoàn cầu thời báo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc thỉnh thoảng có bài lăng mạ và dọa đánh Việt Nam mà báo chí phía ta cũng im. Điều gì mà Trung Quốc không muốn thì lãnh đạo ngại không dám làm. Biểu tình yêu nước đông người hay cá nhân chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của tổ quốc lại bị đàn áp. Ta có đầy đủ tư liệu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam không giáo dục rộng rãi cho toàn dân biết, không in ra nhiều thứ tiếng, trình lên LHQ và phổ biến cho thế giới đề dư luận ủng hộ ta.

Nội lực nước ta quá yếu

Nội lực của một quốc gia bao gồm nhiều yếu tố, thông thường là 3 yếu tố chính: Lực lược kinh tế, lực lược quốc phòng, sức dân và lòng dân. Ở nước ta hiện nay thì kinh tế quá yếu kém, quốc phòng là bí mật quốc gia tôi không dám lạm bàn. Ở đây, tôi chỉ nói đến yếu tố sức dân và lòng dân. Muốn xây dựng nội lực thì phải gắn bó với dân, dựa vào khối đại đoàn kết dân tộc, chăm lo đời sống cho dân, thực hiện dân chủ. Lâu nay lại làm ngược lại, nào là tăng giá xăng dầu, tăng giá điện, giá nước, tăng học phí, tăng viện phí, tăng đóng góp, quyên góp, mọi thứ đổ lên đầu dân, tăng khó khăn cho đời sống của nhân dân, lại còn tước đoạt quyền lợi của dân, đàn áp dân. Như thế thì làm sao phát huy được sức mạnh của dân, xây dựng thành nội lực. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói rất đúng: “Không có nội lực sẽ khó giữ chủ quyền.”

Thiếu tướng Lê Văn Cương nói: “… Sự hưng vong , thịnh suy phụ thuộc rất lớn vào trí tuệ và phẩm chất của đội ngũ lãnh đạo là những người ở vị trí nắm quyền lực tối cao”. Đó chính là ông muốn nói đến trách nhiệm của những nhà lãnh đạo hiện nay.

Trước tình hình kinh tế sa sút, đất nước suy yếu, xã hội không có dân chủ tự do, lệ thuộc, ông Lê Hiếu Đằng một người cách mạng chân chính, trên giường bệnh với tinh thần yêu nước và xây dựng, nêu vấn đề lập một đảng mới (Đảng Dân chủ xã hội chẳng hạn) là “đòi hỏi khẩn thiết của cuộc sống”, để cho có sự cải biến tích cực làm cho đất nước phát triển nhanh. Có một đảng mới, có chính danh để đấu tranh nhằm hạn chế những sai lầm của Đảng Cộng sản, để Đảng Cộng sản tự điều chỉnh tốt lên, để có tự do, dân chủ, xã hội lành mạnh là một điều hay.

Chính ông Lê Hiếu Đằng đã viết “Chúng ta đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực, khiêu khích, gây chiến tranh” và ông cũng viết “Tôi chưa bao giờ nói là chống Đảng Cộng sản hoặc xóa bỏ Đảng Cộng sản”. Vậy có gì là “náo động thiên cung” đâu, mà các vị tiến sĩ, giáo sư, các nhà “bảo hoàng, bảo thủ” nhao nhao phê phán, phản bác lên án ông Đằng bằng cách cắt xén, xuyên tạc, suy diễn, bất chấp sự thật, với những lý luận gượng gạo, nặng về quy chụp theo kiểu “bỏ bóng đá người” thế!

Đề nghị các vị cho đăng toàn văn bài “Viết trên gường bệnh” của ông Lê Hiếu Đằng và những bài của các tác giả đồng tình với ông Đằng lên các báo “lề Đảng” song song với các bài phản bác của các vị, để công chúng bàn luận xem chân lý thuộc về ai. Có thế mới công bằng.



                                                            Tháng 9- 2013  N.T.V.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét