Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Doanh nhân thời nay -- Một tầng lớp sinh non

Lương Vĩnh Kim

13-1-2022

Doanh nhân Việt Nam là tầng lớp thua thiệt so với doanh nhân nước ngoài về nhiều mặt. Thua về vốn, thua về công nghệ, thua về quản trị, thua về trí tuệ và đặc biệt là thua về văn hóa doanh nhân. Tâm thư của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi cho ’16 cái gạch đầu dòng’, cho thấy sự nịnh bợ thần thánh này hơn cả những bà lên đồng ‘vái lạy tứ phương’. Nó là đỉnh cao của ‘văn hóa’ nịnh bợ chính quyền của tầng lớp doanh nhân hiện nay.

Tôi có một vài người bạn doanh nhân nịnh bợ quan chức chính quyền một cách lạ lùng. Họ treo hình chụp chung giữa họ với một số ‘ông to bà lớn’ trong phòng tiếp khách, phía trên, ngay sau lưng chỗ ngồi. Hễ có dịp là họ xuất hiện cặp kè bên cạnh nhân vật quan to. Có người thì hầu như ngày nào cũng có mặt ở nhà hàng nào đó để tiếp đãi các công chức, đặc biệt là các công chức đang trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Nhìn cách họ khoe khoang, tiếp đãi quan chức chính quyền, tôi nhận ra một tâm hồn yếu đuối ẩn giấu đằng sau chiếc áo doanh nhân.

Doanh nhân Việt Nam hiện nay là tầng lớp sinh non. Thời kỳ pháp thuộc, tầng lớp doanh nhân Việt Nam rất nhỏ bé. Ở miền Bắc, sau 1954, tầng lớp doanh nhân Việt Nam bị xóa sổ hoàn toàn sau ba năm cải tạo công thương nghiệp. Ở miền Nam, sau năm 1975, tầng lớp doanh nhân cũng bị đánh què, gần như bị tê liêt hoàn toàn, sau các chiến dịch đánh tư sản và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Từ sau đại hội VI, năm 1986, mới bắt đầu manh nha chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng phải đến sau năm 1990, mới có nhiều người mạnh dạn bỏ vốn ra làm ăn. Thời kỳ từ 1986 đến năm 2000, như là thời kỳ doanh nhân trưởng thành trong bụng mẹ, chưa được khai sinh. Có thể coi ngày 01 tháng 01 năm 2000, luật doanh nghiệp Việt Nam có hiệu lực, là ngày khai sinh tầng lớp doanh nhân Việt Nam mới.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay là quá ngắn, tầng lớp doanh nhân Việt Nam chưa đủ thời gian để hình thành văn hóa doanh nhân như thế giới phương Tây. Họ không đủ vốn và tri thức để đi vào công nghệ. Họ tích lũy tư bản bằng con đường thân hữu với những quan chức có quyền ban phát nguồn lực quốc gia bằng chính sách và giấy phép. Giấy phép con dẹp hoài mà không hết vì đó là nguồn nuôi sống tư bản thân hữu. Vũ Nhôm tích lũy tư bản nhờ thân hữu với các quan chức nắm nguồn nhà đất, từ chiến lợi phẩm của cuộc chiến tranh. Đất đai thuộc ‘sở hữu toàn dân’ cũng là nguồn đóng góp quan trọng nhất hình thành tầng lớp doanh nhân giàu có hiện nay.

Tầng lớp doanh nhân Việt Nam sinh sau đẻ muộn và là tầng lớp bị sinh non. Phần đông là siêu nhỏ, siêu mỏng, ‘buôn thúng bán bưng’. Một số doanh nghiệp lớn thì hầu hết, hoặc là có bóng dáng nước ngoài thâu tóm, hoặc là có tham gia vào quá trình ăn chia tài sản nhà nước, mà chủ yếu là ăn chia ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân’. Tầng lớp doanh nhân Việt Nam không đảm đương được sứ mệnh công nghiệp hóa đất nước như tầng lớp doanh nhân Hàn Quốc. Chính sách Công nghiệp hóa đất nước Việt Nam, cho đến nay, là thất bại. Việt Nam không có sản phẩm công nghiệp xứng tầm. Quanh đi quẩn lại chỉ xuất khẩu thô các sản phẩm nông ngư nghiệp. Không cạnh tranh được với nước ngoài bằng trí tuệ, người dân Việt Nam cạnh tranh bằng cơ bắp, với đặc trưng là xuất khẩu lao động tại chỗ. GDP bình quân đầu người Việt Nam có tăng hơn so với trồng lúa nhưng đất nước thì không phát triển.

 

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Những điều chưa thể kết thúc

 Tô Hiệu

7-1-2022

Đáng ra Quốc hội họp phiên bất thường hiện nay phải được nghe các Cơ quan chức năng tường trình về các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến scandal mang tên “Công ty Việt Á”. Đằng này, các ông/bà Nghị và cử tri cả nước chỉ được nghe tường trình của ngài Bộ trưởng Y tế, tựa như một bản “thanh minh thanh nga” có pha chút báo cáo thành tích…

Những vấn đề liệt kê dưới đây, rõ ràng chưa được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề cập và làm rõ một cách thực chất trong phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương chiều 05/01/2022. Bảy điều “tế cấp” ấy là gì?

Thứ nhất, Kit Test Việt Á là một xì-căng-đan vô tiền khoáng hậu, cực kỳ nghiêm trọng. Tính chất nghiêm trọng thể hiện trên nhiều mặt trong sinh hoạt đối nội lẫn đối ngoại của nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Về đối nội, ở đây không chỉ có vấn đề đưa và nhận hối lộ trên khắp cả nước. Cơ quan điều tra đã bắt Giám đốc Công ty Việt Á và lãnh đạo CDC một số địa phương cùng một số lãnh đạo Vụ của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y tế để điều tra. Nhưng vấn đề ở chỗ, tại sao Việt Á có thể bán được kit test với mức giá “trên trời” và lót tay với mức cao đến 20% cho CDC các địa phương như vậy? Theo kết quả điều tra đến hiện nay, giá này dựa trên Công văn của Bộ Y tế để CDC các địa phương căn cứ vào đó mua sản phẩm của Việt Á. Vậy câu hỏi ở đây là, liệu có sự bắt tay nào giữa Công ty Việt Á và Bộ Y tế hay không? [1].

Về đối ngoại, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã xác nhận có kit test nhập lậu từ Trung Quốc và đã đề nghị phía Trung Quốc cung cấp thêm các thông tin cần thiết khác. Vậy những bộ kit test nhập lậu này đã từ những công ty nào của Trung Quốc? Tuồn lậu bằng cách nào qua biên giới và sau đó còn đi tiếp vào những đâu? Câu hỏi lớn hơn là các công ty sản xuất những sản phẩm này có đủ năng lực không? Liệu nguồn sản phẩm nhập lậu này có phải là những bộ kit test được Việt Á thực hiện sang mác VN để cung cấp ra thị trường hay không? Nếu đúng vậy thì vấn đề này rất nghiêm trọng, vì đưa các bộ sản phẩm kit test không rõ nguồn gốc, chất lượng vào phục vụ sức khoẻ, tính mạng con người là điều không thể chấp nhận được. [2].

Thứ hai, đây là sự coi thường phép nước, coi khinh các Nghị quyết Đại hội của Đảng CSVN một cách tệ hại nhất từ trước tới nay.

Qua gần 15 năm thực hiện các Nghị quyết của Đại hội Đảng, nhất là kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tiêu cực (Ban Chỉ đạo PCTC) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, từ tháng 02/2013 đến nay, dưới sự lãnh đạo “trực tiếp, toàn diện” của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã không ngăn được Việt Á và các sân sau của chúng thao túng và lũng đoạn các tổ chức và các cơ quan Đảng/Nhà nước. Mới đây nhất, xuất phát từ tình trạng ngày càng tồi tệ, Bộ Chính trị vừa quy định bổ sung chức năng cho Ban Chỉ đạo về PCTN. Theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ PCTN, Ban Chỉ đạo còn có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực. Bởi, tiêu cực là nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Nhưng như đã thấy, tất cả đã bị vô hiệu hoá bởi Việt Á.

vietakit111222
TBT Nguyễn Phú Trọng và bộ kit test của Việt Á. RFA edit

Đặc biệt, giữa năm 2021, Ban Bí thư vừa ra Kết luận 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; sẽ tiến hành sơ kết năm năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW với tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về PCTN. Ban Bí thư tiếp tục khẳng định những chính sách đã ban hành và tiếp tục đề ra những chủ trương mới về PCTN, tiêu cực cho phù hợp với tình hình hiện nay và Nghị quyết Đại hội 13. Tuy nhiên, với sự lũng đoạn toàn bộ hệ thống CDC ở hầu hết các tỉnh thành, scandal Việt Á cho thấy thực chất của tình trạng chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết, pháp luật nói chung, về PCTN nói riêng tệ hại như thế nào. Tại sao quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước không được thực hiện nghiêm minh? [3].

Thứ ba, cần vạch mặt chỉ tên“mối chúa” nào đứng sau vụ này? Phải là một “bố già” trong Nhà nước hay một “hoà thân” trong Đảng mới có khả năng coordinator (phối hợp) được toàn bộ hệ thống. Không chỉ kết nối được với các bộ, các ngành, các viện nghiên cứu, mà còn sâu sát đến từng công đoạn cụ thể trong quá trình lũng đoạn bộ máy của Đảng/Nhà nước.

Trước hôm Quốc hội khai mạc, cử tri trong cả nước còn được nghe Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện tuyên bố, dường như có “cá lớn” trong vụ Việt Á.  Theo giới chuyên gia, không thể có tốc độ nghiên cứu thần tốc với số mẫu của Việt Á. Mà thật ra, đề tài khoa học giữa Việt Á với Viện Quân y được nghiên cứu ở đâu? Tại sao Bộ KHCN đã lừa dối người dân khi thông tin bộ kit test này được WHO chấp nhận và được 20 nước đặt mua sản phẩm này. Vậy ai là người cung cấp những thông tin giả này để đánh lừa người tiêu dùng? Sau khi công bố kết quả đề tài, ngay ngày hôm sau Bộ Y tế đã chấp nhận và giao Công ty Việt Á sản xuất. Thời gian ngắn như vậy thì Bộ Y tế có kiểm tra kết quả đề tài và năng lực sản xuất của Việt Á không? Ai là người kiểm tra tính khả thi của đề tài? Ai đã “bật đèn xanh” cho việc cố tình buông lỏng quản lý công đoạn này? Chưa hết, Phan Quốc Việt và hai cổ đông khác chỉ giữ 20% cổ phần Việt Á. Vậy ai là người chiếm 80% cổ phần còn lại, “mối chúa” ấy có trách nhiệm gì trong những sai phạm của Việt Á? Hỏi là đã trả lời. Hoạ phúc phải đâu một buổi. Cách đây năm năm Bộ Y tế cũng đã từng bao che và đánh tráo khái niệm hàng giả với hàng kém chất lượng. [4].

Thứ tư, tác hại của “cú lừa toàn xã hội’ này cực kỳ nặng nề. Trên ba vạn nhân mạng ra đi, toàn bộ hệ thống hầu như bị vô hiệu hoá. Do chất lượng bộ kít, người không bị lây nhiễm vấn có thể cho kết quả dương tính và ngược lại.

Trong cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cuối năm, ông Lê Bá Trình, ủy viên Đoàn Chủ tịch, phát biểu rằng nhân dân “mong muốn Đảng, Nhà nước làm rõ vi phạm, đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh với những cơ quan, tổ chức có liên quan tới vụ việc này”. Báo chí trong nước trích lời ông: “Đây là một thứ lừa đảo nhân dân, lừa đảo ngay trong cơ quan Nhà nước”, và ông nhấn mạnh rằng người dân phản ứng, vì vậy, Mặt trận cần phải đưa các thông tin đó vào bản báo cáo tổng hợp tình hình nhân dân 2021. Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim đề nghị rằng Mặt trận Tổ quốc phải có ý kiến ngay về vụ Việt Á, chứ không chờ tới khi mọi việc xong xuôi rồi mới lên tiếng. Dư luận trong nước đều thống nhất gọi đây là tội ác, là vụ bê bối thế kỷ, do những kẻ táng tận lương tâm gây ra, lừa đảo và móc túi nạn nhân, làm hại đến sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân. [5].

Thứ năm, Đảng/Nhà nước phải đồng cảm và biết cách chia sẻ với những phẫn uất chính đáng trong toàn xã hội. Không nên chụp mũ, quy kết những xúc cảm tự nhiên này là âm mưu của “các thế lực thù địch”. Giặc ở sau lưng nhà các ngươi đó (Lời của Thần Kim Quy vẫn mang ý nghĩa thời sự!!!).

Không phải ngẫu nhiên, tờ “Tuổi trẻ” chạy một đầu đề hết sức bắt mắt, “double meaning” (nghĩa kép): Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: ‘Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi làm xói mòn lòng tin với ngành’. Đây không phải là thuyết âm mưu, cũng không phải là lỗi biên tập. Đây là một cách phản ứng công khai của báo giới trong nước đối với “Bản báo cáo thành tích” trong phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương chiều 05/01 của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Ông Long thanh nga thanh minh cho Bộ Y tế rằng, cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ, tạo thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế mà “đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua”. Phải ghi nhận, các nhà báo “Tuổi Trẻ” thông minh và dũng cảm. [6].

Mà sự phê phán đâu chỉ tập trung vào một mình Bộ Y tế. Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, không ai chấp nhận được cách chống chế “nhầm lẫn thông tin” của Bộ Khoa học và Công nghệ trong vụ án gây chấn động này. Đại biểu Minh Hiền nhấn mạnh, hồ sơ sản phẩm kit test của Việt Á bị WHO loại ngay từ đầu vì không cung cấp được chứng nhận quản lý chất lượng ISO cho sản phẩm y tế, có nghĩa là chưa được WHO chấp nhận cho lưu hành tự do. Thế nhưng, sự “nhanh nhảu không cần thiết” của Bộ KH&CN khi vội vàng ra thông báo trên website của Bộ kèm theo thông tin về năng lực sản xuất cung ứng sản phẩm của Việt Á cho thị trường trong nước và quốc tế, rồi sau đó lại âm thầm gỡ bỏ thật sự gây ra một câu chuyện bi hài cho vụ việc này. [7].

Thứ sáu, scandal Việt Á là một đòn giáng mạnh vào tham vọng muốn làm “Anh Cả” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trước và sau Đại hội 13 của ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng từng mơ, các Nghị quyết đại hội sẽ là “văn bia” cho nhiều thế hệ. Mặc dầu TBT Trọng tuyên bố, đại ý, không biết cuối thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hay chưa, những ngay trong mùa đại dịch, ông vẫn miệt mài bắt Ban Thư ký chuẩn bị những bài viết “tràng giang đại hải” để bàn về các vấn đề lý luận và thực tiễn của cái “chưa biết là có hay không ấy”. Sau Đại hội, cũng lại giữa mùa “chống dịch như chống giặc”, ông “khai hội” liên tục. Ông cho mở Hội nghị Văn hoá toàn quốc, rồi ông cho mở Hội nghị Đối ngoại đẩu tiên trong 76 năm tồn tại của chế độ… Ông “chỉnh phong”, “chỉnh huấn”… Ông chất vấn mấy tay Trung ương và Bộ Chính trị ngồi giả vờ chăm chú nghe ông thuyết pháp: “Tiền nhiều để làm gì?” (Chắc khối đồng chí chưa bị bị lộ “đang nằm trong đống rơm” không khỏi cười thầm…). Ông truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho những người được cho là hy sinh trong vụ giết đảng viên Lê Đình Kình 82 tuổi đời và hơn 60 năm tuổi đảng [8]. Ông ký tặng Huân chương Lao Động cho Công ty của Phan Quốc Việt (toạ lạc trên khoảng 10m2). Tham vọng muốn làm “Anh Cả” của TBT Trọng trong “cuộc đời bay bổng cánh diều” này sau những dồn nén của các sự kiện vừa liệt kê và cú “va đập Việt Á” sẽ như thế nào… chưa ai trả lời được.

Thứ bảy, trong nguy vẫn còn cơ. Nếu kỳ họp Quốc hội bất thường lần nà còn có một vài báo cáo khác (nếu cần có thể đóng dấu Tuyệt Mật), ít nhiều có đề cập đến gốc rễ và đề xuất giải pháp cho các vấn đề thực chất liên quan đến vụ Việt Á thì Đảng/Nhà nước còn cơ may đẩy mạnh cải cách thế chế, thay thế “đảng quyền” bằng “pháp quyền”, tiến hành “Đổi mới lần hai”.

Nếu không, “que thử” Việt Á cũng đồng thời là “phép thử” đối với tính chính danh và địa vị hợp pháp của Đảng/Nhà nước này. Trong buổi “chợ chiều” của các triều đại phong kiến trước đây cũng không thiếu những kỷ nguyên hôn ám nhũng lạm như ngày nay. Nhưng thời trước, còn khá nhiều các bậc tiên liệt, nên hậu thế chúng ta mới biết đến các cáo trạng đanh thép như “dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế/ Gây thù kết oán trải mấy mươi năm…” từ Nguyễn Trãi, hay “thất trảm sớ” nổi tiếng của Chu Văn An. Tuy nhiên, sau nhiều “chiến dịch Mậu Thân” của Đảng đối với nhân sỹ trí thức thời nay, giờ đây nếu còn sót lại một vài Nguyễn Trãi hay Chu Văn An ở đâu đó trên giải đất hình chữ S, thì rất tiếc, phần lớn các bậc sỹ phú ấy dường như đều ngoảnh mặt làm ngơ trước các đại án như Việt Á. Có thể đấy cũng là một trong những lý do khiến Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long vẫn “thừa thắng xông lên” bảo kê cho Việt Á và toàn bộ tội ác của những kẻ bất lương từng lộng hành trong đại dịch COVID-19. [9].