Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Tài sản bất minh ở xứ ta

 Đỗ Duy Ngọc

15-11-2021

Đọc trên báo thấy có tin: “Sau 3 kỳ thảo luận, các ĐBQH vẫn chưa nhất trí việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Thậm chí, qua phát phiếu lấy ý kiến, vẫn không quyết được ‘số phận’ tài sản này“.

Đồng thời, khi lấy ý kiến các đại biểu chỉ có 209/456 ý kiến, chiếm 45,93% số ĐB tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số ĐBQH), tán thành phương án giải quyết tại tòa án. Phương án đánh thuế thu nhập còn nhận được ít sự ủng hộ hơn, chỉ 156/456 ý kiến (chiếm 32,16% tổng số ĐBQH) tán thành. Ngoài ra, 40/456 ĐB (chiếm 8,24% tổng số ĐBQH) đề nghị giữ như quy định của luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Chỉ có 1 ý kiến đề nghị tịch thu và 31 vị ĐBQH (chiếm 6,39% tổng số ĐBQH) không thể hiện chính kiến của mình.

Có lẽ đây là một trong số những vấn đề bàn cãi trong Quốc hội Việt Nam mà lại có những con số khác biệt như thế này. Thường tỷ lệ tán thành là trên 90% và có lúc 99,9%. Tại sao vấn đề này lại có những con số khác biệt như vậy?

Lý do là đang bàn về vấn đề dính dáng đến quyền lợi của các đại biểu. Tất cả các đại biểu Quốc hội ở nước ta đều là cán bộ lãnh đạo đương chức. Và điều tất nhiên tham nhũng chỉ có ở những người đang có quyền lực. Dân đen thì lấy gì để tham nhũng. Do vậy, khi đụng đến chuyện tịch thu, đánh thuế hay đưa ra toà tài sản không chứng minh được nguồn gốc tức là đụng đến đồng tiền nhờ quyền lực mà có, tức là tham nhũng. Mà tài sản tham nhũng thì lấy đâu mà chứng minh được nguồn gốc.

Đồng tiền đi liền khúc ruột, dù đó là đồng tiền bất minh, đồng tiền phạm pháp cũng đã là tài sản của các ông. Dễ gì các ông ấy lại bấm nút biểu quyết tán thành việc tịch thu tài sản của chính mình. Có ai lại dại thế? Cho nên các ông không đồng tình là hợp lý thôi.

Phần đông chấp nhận giải quyết tại toà bởi thật sự tài sản có được do tham nhũng, hối lộ thường được phân tán cho thân nhân, con cháu, họ hàng đứng tên cả rồi. Ra toà thì chẳng còn chi. Hơn nữa, ra toà thì chạy chọt, nén bạc đâm toạc tờ giấy, trám tiền vào thì mọi việc êm đẹp cả thôi mà.

Nói như ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao: “Hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật Đăng ký tài sản, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị ‘thăm hỏi’ ngay. Như thế, chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng“. Như vậy, khi ra toà án chẳng còn tài sản bao nhiêu để thu hồi.

Có 32% ý kiến chấp nhận thu thuế với tài sản không chứng minh được. Theo phương án này, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có, thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản này.

Kiểu này cũng là khôn, khi có vấn đề phải bị điều tra, lòi ra tài sản bất minh chỉ cần chấp nhận đóng thuế thu nhập là xong, tiền bạc, tài sản vẫn còn đó, có sứt mẻ chút xíu cũng chẳng chết thằng Tây nào. Khôn quá đi chứ. Đóng thuế xong là xong, chẳng vướng tội lỗi gì. Tài sản nhiều mà, đóng thuế một ít cũng chẳng sao, phần còn lại là hợp pháp, ăn ba đời cũng chưa hết.

Thương cho một đại biểu cô đơn đồng tình với việc tịch thu tài sản bất minh. Có lẽ vị này chưa dính tham nhũng, chưa có tài sản hoặc chưa có cơ hội để có tài sản tham nhũng. Cũng có thể vị này tự tin mình đã tạo vành đai an toàn cho số tài sản của mình chăng?

Có 31 vị chọn im lặng là vàng, không biểu quyết. Tội gì, cứ để mọi người cho ý kiến, xem tình hình thế nào? Im lặng đúng lúc cũng là một hành động khôn ngoan. Cứ lặng lẽ đừng để lòi mặt chuột là được. Cứ chường mặt ra có khi dính bẫy oan.

Qua những con số trên mới thấy, việc kê khai tài sản của cán bộ chỉ là một trò vui. Có mấy ai khai thật và luật pháp cũng chưa có một biện pháp gì để xử lý khi cần thiết. Mà có khui ra được cũng chưa có điều luật nào để giải quyết, toà xử, đánh thuế hay tịch thu, cho đến giờ vẫn còn cù cưa.

Theo quy định pháp luật hiện hành, tại Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm.

Như vậy, người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu, “đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng ‘thời gian vàng’ giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có”. Một đại biểu đã từng phát biểu như thế.

Cũng theo luật, khoản 3 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “chỉ kê biên bán tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại” cũng làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng.

Có rất nhiều vụ án lên đến hàng ngàn tỷ, nhưng tiến hành và xử lý chậm chạp, nhiêu khê, qua nhiều tầng, nhiều lớp khiến cho việc kiểm kê hoặc kê biên tài sản kéo dài trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp.

Tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc hình thành tài sản do phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền nên rất khó phát hiện, thu hồi”.

Ông Lê Minh Trí đã nhấn mạnh: “Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được. Quyết tâm nhưng thu, kê biên không đúng luật thì người ta kiện. Đúng hay không thì phải xác minh, mà trong quá trình xác minh thì họ tẩu tán mất rồi. Cho nên việc này phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật, để chúng ta có thể thu hồi tốt hơn”.

Tui nghĩ, cứ phạm tội là kê biên gia sản ngay. Điều tra, xử án, tiền nào có nguồn gốc rõ ràng thì trả lại, tài sản bất minh, không nguồn gốc thì tịch thu, cho vào công quỹ. Làm ngay khi có lệnh bắt còn hi vọng chứ đợi điều tra thì nó tẩu tán mất rồi, còn đâu. Ở xứ này mà chờ minh bạch là thua rồi.

Nhưng giờ lấy gì minh bạch, có thằng tham nhũng nào mà tự khai, chẳng có ai cầm dao tự cắt mình, chẳng có ai lại đi bấm nút để đồng tình việc tịch thu tài sản của mình. Bàn biện pháp ngăn ngừa ăn trộm với thằng ăn cắp thì cũng bằng thừa. Thế mới thấy cán bộ ta đụng đến quyền lợi cá nhân là phân hoá rõ ràng ngay.

Do vậy, họp thì cứ họp, bàn thì cứ bàn nhưng sẽ chẳng đi đến đâu. Chuyện chống tham nhũng ở xứ ta là chuyện dài lắm chuyện, rối như tơ, khó mà gỡ bởi anh chưa bị lộ ngồi xử thằng bị lộ. Rốt cuộc chẳng có luật nào rõ ràng, minh bạch để xử cả.


Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Quốc hội họp

 ”Sau 3 kỳ thảo luận, các ĐBQH vẫn chưa nhất trí việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Thậm chí, qua phát phiếu lấy ý kiến, vẫn không quyết được “số phận” tài sản này.”

   Họp thì cứ họp, bàn thì cứ bàn nhưng sẽ chẳng đi đến đâu. Chuyện chống tham nhũng ở xứ ta là chuyện đường dài lắm chuyện . Rối như tơ vò khó mà gỡ được ,bởi vì  đó chỉ là kiểu anh chưa lộ ngồi xử anh bị lộ mà thôi .

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Những kẻ mù dẫn đường (phần 2)

 Nguyễn Thông

13-11-2021

Tiếp theo Phần 1

Trong phần 1, tôi có nhắc tới nước Đức và bức tường Berlin, nó sụp đổ ngày 9.11.1989 cách nay 32 năm. Nước Đức thống nhất đoàn tụ một cách vĩ đại xét dưới góc độ nhân văn chứ không phải góc nhìn chiến tranh. Đem xương máu dân tộc, nhân dân nướng vào cuộc chiến tranh ý thức hệ tàn bạo, dưới danh nghĩa giải phóng, không có gì là vĩ đại cả, không có gì đáng ca ngợi cả (chuyện này sẽ nói sau trong một bài khác).

Lứa chúng tôi sinh ra giữa thập niên 50, khi miền Bắc chính thức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội, về lý thuyết rất đẹp, đẹp tốt hơn bất kỳ thể chế nào. Và nó cũng đẹp trong văn nghệ, thơ ca. Nó đẹp từ mồm những người lãnh đạo, từ báo chí, đài phát thanh. Nó chỉ không đẹp, thậm chí chứa đầy xấu xa tệ hại, xấu hơn tệ hơn so với xã hội trước nó, là ở thực tế. Giữa lý luận và hiện thực là vực sâu thăm thẳm. Những người sống ở miền Bắc từ thập niên 50 tới 80 biết rõ điều này.

Phe xã hội chủ nghĩa/cộng sản khi tồn tại gồm 13 nước. Bất kỳ đứa học trò nào trải qua trường phổ thông ở miền Bắc đều nhớ nằm lòng những con số, chi tiết như vậy. 13 nước ấy gồm Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Mông Cổ, Cuba, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria, Romania, Albania, Đức. Nam Tư đã sớm rời bỏ, còn Lào mãi sau này mới bị xúi gia nhập, nên không tính.

Con số 13 cực xấu, bản thân nó đã chứa đầy nguy cơ tan vỡ, chiến tranh, nội chiến, đói nghèo, lạc hậu, lại cộng thêm bản chất chủ nghĩa xã hội với những độc tài, giả dối, phản dân chủ… nữa, nên nó tồn tại được trong gần nửa thế kỷ là đã quá nhiều. Nhẽ ra nó phải bị diệt vong sớm hơn. Trong giai đoạn cuối của nó, thêm mấy anh có tiềm năng thế mạnh nghèo đói nội chiến nhảy vào càng làm cho nó mau chóng lăn xuống huyệt, những Angola, Congo, Afghanistan, Mozambique, Somalia, Yemen, Etiopia, Nicaragua. Điều đó càng chứng tỏ nghèo đói, chiến tranh và chủ nghĩa xã hội là một, dễ tìm tới nhau. Nếu chủ nghĩa xã hội tốt đẹp, sao không thấy trong đội ngũ nó những Thụy Điển, Đan Mạch, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei…

Khi chúng tôi, đám con em nông dân học lớp 10, thi tốt nghiệp phổ thông, ước mơ lớn nhất là được đi học nước ngoài. Dĩ nhiên trên báo đài cũng có những anh “điển hình” chỉ ao ước được ra trận, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Tôi nói rằng “trên báo đài” bởi trong thực tế, các bạn cùng khóa với tôi không có anh nào ước ra trận cả, ra đi là do bắt buộc thôi.

Chỗ của con nông dân là chiến trường, mặt trận, hầm hào, đánh nhau, chết chóc. Đặc quyền đi học nước ngoài dành cho con em cán bộ lãnh đạo. Sẽ có ai đó bảo nói thế không đúng, vẫn có những con em ông to bà lớn đi bộ đội, ra chiến trường, hy sinh đó sao. Đành là vậy, đâu có phủ nhận, nhưng chỉ là cực kỳ ít ỏi trong cái tỷ lệ phân chia quyền lợi.

Trong số 13 nước “thiên đường” kể trên, nếu được đi nước ngoài, người ta cũng chỉ mong được học ở Đông Đức, sau đó là Ba Lan, Tiệp Khắc, chứ không phải Liên Xô, lại càng không phải Triều Tiên, Mông Cổ, Cuba… Người Đức vốn sẵn sự thông minh, giỏi giang, lại thêm sát nách Tây Đức, nên đời sống khá nhất, sang đó thực hiện “cứu nước cứu nhà” dễ nhất. Đông Đức về mức sống đứng đầu phe chủ nghĩa xã hội, là niềm ao ước, là đỉnh của cả phe, tuy nhiên so với Tây Đức chưa là gì cả. Thực tế cho thấy dòng người chạy trốn, vượt tường, đào thoát, tìm miền đất mới chỉ có một chiều từ Đông Đức sang Tây Đức chứ không theo chiều ngược lại bao giờ. Và cũng chỉ có người từ các nước xã hội chủ nghĩa, phe thiên đường trốn sang các nước tư bản giãy chết, phe địa ngục, chứ không trốn ngược lại. Đó là sự thực, phải mở to mắt ra mà nhìn, bung não ra mà nghĩ, chứ không thể lý luận suông một cách lú lẫn được.

Sự chênh lệch giàu nghèo, tốt xấu, hay dở do thể chế không chỉ bộc lộ ở hai miền nước Đức, mà những nơi khác tương tự cũng vậy. Hãy ngẫm lại hai miền Nam – Bắc Việt Nam suốt thời gian hơn 20 năm (nên bỏ ngay thứ lý luận bảo rằng miền Nam ăn viện trợ của Mỹ, bơ thừa sữa cặn, phồn vinh giả tạo), rồi Hàn Quốc – Triều Tiên từ thập niên 50 tới tận bây giờ, rồi Cuba trước và sau thời điểm 1959 cách mạng vô sản, rồi những nước đã tháo phăng cái áo chủ nghĩa xã hội lạc hậu, chật chội, từ đói nghèo vươn lên hạnh phúc như Mông Cổ, Ba Lan, Czech, Hungary… để hiểu chủ nghĩa xã hội tốt hay xấu, đáng chọn, đáng theo, đáng kiên định hay không. Khi chiếc áo đã rách tả tơi thì phải chấp nhận thay, chứ không thể chắp vá níu giữ tạm bợ, đánh lừa dân và tự lừa mình bằng chiêu trò “đổi mới”.

Biết nó xa vời, ảo tưởng, khó khăn không tới được thì đừng có lú lẫn đâm đầu mãi vào như con đà điểu chúi đầu trong cát, rốt cục sẽ chả đi tới đâu ngoài mấy cái bánh vẽ cho dân.


Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Những kẻ mù dẫn đường (phần 1)

 Nguyễn Thông

11-11-2021

Cũng không hẳn là mù mắt, nhưng mù đầu mù óc, mù tư duy suy nghĩ thì quá rõ. Như các cụ xưa bảo, đường quang chẳng đi lại đâm quàng bụi rậm. Quờ quạng cây gậy lý luận khua khoắng dò đường, chỉ đâm vào ngõ cụt.

Ấy là tôi nói đến đám đang lãnh đạo xứ này, những kẻ mù nhận trọng trách dẫn đường.

Điều dễ nhận ra, với hệ thống báo chí truyền thông độc quyền, cứ vài ba bữa họ lại nức nở ca ngợi chủ nghĩa xã hội, đề cao con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là gần đây tán dương bài viết của ông tổng bí thư, xem nó như thứ ánh sáng chỉ lối soi đường, đuốc thời đại rọi tới tương lai.

Rồi ông nọ bà kia, từ ông trẻ Thưởng, tới những bác già giáo sư tiến sĩ lập thân nuôi xác bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, cả đám nhãi ranh “Đối diện” nữa, kéo nhau lên tivi, lên báo chí để lập ngôn, dạy dỗ, trấn an, đe nẹt, nhưng tất cả đều chỉ là thứ lý luận suông, giả dối, xiên xẹo, lập lờ, lảng tránh sự thật. Họ biết cả đấy, nhưng họ phải lờ đi bởi nếu nói đúng sự thật thì chả khác gì tự xé toạc mặt nạ, bóc trần bản chất tệ hại của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hôm qua, tôi coi đoạn phóng sự người Đức nhắc lại ngày 9.11.1989 đập bỏ bức tường ô nhục Berlin, vừa buồn vừa rùng mình, nhớ chuyện cũ.

Ngược dòng lịch sử, ngày 7.11.1917, dân Nga bị sự lôi kéo của mấy anh theo chủ thuyết Mác-Lênin làm cuộc cách mạng lật đổ đế chế Nga, xây dựng một xã hội mới mà họ gọi là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, lấy đấu tranh giai cấp làm động lực. Trong hơn 70 năm Liên Xô tồn tại, thực chất nó như thế nào thì nhiều người đã biết. Một chế độ háo thắng, thích đánh nhau, tồn tại bằng vũ lực, bóc lột sức dân, vẽ ra những mục đích không tưởng, lôi kéo nhiều nước vào cuộc đấu đá-chiến tranh “ai thắng ai” bằng miếng mồi tình quốc tế vô sản, bị cai trị bởi những kẻ độc tài xấu xa dưới vỏ đồng chí…

Không phải bàn luận tranh cãi nhiều, chỉ cần nhìn vào thực tế, nếu chế độ (xã hội chủ nghĩa) ấy, đường lối ấy tốt đẹp thì không lý gì sụp đổ cái ầm, bị chôn vùi, vứt vào sọt rác. Cả phe xã hội chủ nghĩa vỡ tan như bọt nước trong cơn sôi sục của dân chúng vốn bị kìm nén suốt hơn nửa thế kỷ.

Tốt đẹp thì phải giữ, phải tồn tại, cớ gì lại tan, bị ném vào hố rác? Bản thân câu hỏi đã là câu trả lời, không cần giải thích. Bây giờ, ngay cả những nơi đã sinh ra ông tổ của chủ nghĩa xã hội-chủ nghĩa cộng sản, những nơi từng là lô cốt, thành trì của học thuyết này, người ta cũng không thèm nhắc tới, nếu có gợi lại cũng chỉ coi nó như thứ quá khứ đau buồn, cần quên đi vĩnh viễn.

Toàn thế giới hiện có 204 quốc gia (nước) lớn nhỏ. Thử đếm xem có bao nhiêu nước chọn con đường “tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Xin thưa, chỉ vừa đủ số ngón tay của một bàn tay. Chả nhẽ 199 nước kia ngu đục dốt nát cả.

Những quốc gia giàu nhất trên thế giới, đất nước phát triển, cuộc sống sung túc, dân chúng đầy đủ hạnh phúc, không có nước nào theo chủ nghĩa xã hội. Đốt đuốc tìm không ra.

Những nước, những miền đã từng phát triển, từng có vị thế, thứ hạng trên thế giới, sau khi theo chủ nghĩa xã hội, hoặc bị cưỡng bách theo chủ nghĩa xã hội, ngả vào chủ nghĩa xã hội, ngay lập tức hoặc lún dần vào sự nghèo đói, kiệt quệ, dân rơi vào cảnh bần cùng, dân tộc không ngóc đầu lên nổi, rõ nhất là Cuba, Triều Tiên, miền Nam Việt Nam, Venezuela.

Phe xã hội chủ nghĩa từng có 13 nước, sau khi tan rã chỉ còn 4 nước “kiên định đói nghèo”, những nước kia sau khi tự cởi trói đã chấm dứt sự nghiệp giảm nghèo bền vững, mau chóng đem lại đời sống ấm no cho dân chúng.


Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Xét xử vụ án Nguyễn duy Linh

 Việt Hương

10-11-2021

Ảnh chụp màn hình từ báo Tuổi Trẻ

“Họp án” là khái niệm chưa có trong từ điển pháp lý của thế giới. Kết quả phiên xử Đại tá Nguyễn Duy Linh dường như cho thấy, cả 3 cơ quan Công an, Kiểm sát và Toà án đã “họp án” để “mặc cả” về kết quả bản án. Quá trình tố tụng một vụ án phức tạp nhường ấy không thể diễn ra một cách chóng vánh như thế. Luật pháp như đùa, như có như không.

Qua vụ án xử Đại tá Nguyễn Duy Linh, giới phân tích và quan sát, kể cả trên báo chí quốc doanh lẫn mạng xã hội, đều có xu hướng kết luận như trên. Tất cả đều gián tiếp hay trực tiếp đề cập đến các tình tiết “kỳ lạ” trong quá trình tố tụng tại toà, với hàng loạt các câu hỏi “tại sao”, “tại sao” mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được một cách rành rẽ. Những lời dẫn nhập “sắc như dao cau” của Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã hé lộ phần nào những khuất tất của một vụ án có lẽ sẽ đi vào không chỉ lịch sử pháp lý Việt Nam.

Phiên toà kỳ quặc

Một vụ án vô cùng kỳ quặc từ các khâu điều tra ban đầu, khởi tố, bắt, khám xét, hỏi cung, cáo trạng, cho tới xét xử tại tòa. Đặc biệt có những tình tiết cực kỳ quan trọng mà Toà đã cố tình bỏ qua một cách khó hiểu. Đó là khoản tiền 4 triệu USD, Vũ “nhôm” khai đã hối lộ Nguyễn Duy Linh, trước khi gửi khoản tiền 5 tỷ VNĐ. Một số báo trong nước có đưa chi tiết này, như VnExpress, Tiền phong, Thanh niên… Với cơ quan điều tra, không khó để xác định đúng/ sai trong lời khai đó, để tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ, hỏi cung với Linh giúp tìm ra sự thực, nhưng tất cả như rơi vào hụt hẫng.

Có thể thấy lần đưa 5 tỷ VNĐ và các đợt đưa tổng cộng 4 triệu USD trước đó đều tương tự nhau về cách thức thực hiện, vậy tại sao Toà “vui vẻ” chấp nhận 5 tỷ thôi? Đây là nội dung quan trọng nhất mà cả ba cơ quan tố tụng đã cố tình bỏ qua, nhất là quá trình hỏi cung “thần tốc”, chỉ trong vòng có 6 ngày. Một kỷ lục có thể ghi vào Guinness, với một vụ án đưa và nhận hối lộ khủng khiếp như thế! Đặc biệt, với một bị cáo có quá trình hỏi cung quá ngắn, không nhận tội, thì khi phải nhận tội trước tòa, việc phải thẩm vấn để xác định diễn biến các hành vi phạm tội là vô cùng quan trọng.

Hơn nữa, với mức độ phức tạp của vụ việc, mức án cao nhất tử hình của tội danh, thì lẽ ra Tòa phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại. Nhưng đã không có chuyện đó. Hiện tượng này có lẽ trả lời phần nào cho lý do vì sao quá trình hỏi cung lại ngắn chưa từng thấy. Thêm nữa, sau khi Linh nhận tội, Vũ cũng lập tức nhận “theo”, đồng thời cho biết “có nhiều việc khó nói, mong Hội đồng xét xử thông cảm”. Đây cũng là tình tiết hết sức quan trọng, tại sao không thấy Tòa đi sâu thẩm vấn?.

Có lẽ “Tuổi Trẻ” là một trong những tờ báo quốc doanh đưa tin kết quả phiên toà khá sớm. “Phiên tòa xét xử cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo chiều 5/11 có diễn biến bất ngờ khi ông Nguyễn Duy Linh bất ngờ khai đã nhận 5 tỉ từ Vũ “nhôm”. Trước đó bị cáo Linh liên tục phủ nhận tội nhận hối lộ như cáo trạng quy kết. Như vậy, khả năng Linh sẽ lĩnh án chung thân. Đến khi thi hành án, nếu “cải tạo tốt”, không vi phạm gì, nộp lại đủ tiền, sẽ được giảm, có thể chỉ phải chịu thời gian giam giữ khoảng 15 năm.

Với những gì bản cáo trạng nêu, chỉ riêng nhận hối lộ đến 5 tỷ VNĐ, khả năng bị tuyên án tử là rất có thể. “Kịch bản giải cứu” lúc này hầu như chỉ có thể là: Nhận tội + Nhận khắc phục = Kết quả sẽ chung thân. Nếu không nhận tội và đương nhiên không khắc phục hậu quả thì sẽ nhận án tử hình. Trong thời gian hỏi cung, bị cáo đã không nhận tội. Vậy việc ra tòa lại nhận tội không phải là điều dễ dàng. Diễn biến phiên tòa ngay buổi sáng 5/11 đã cho thấy, Linh vẫn chỉ công nhận là có nhận quà lặt vặt thôi, phủ nhận việc nhận hối lộ 5 tỷ.

Kinh nghiệm vụ Nguyễn Bắc Son, theo luật sư cho biết, việc phủ nhận tội nhận hối lộ, rồi cuối cùng lại phải nhận tội, gia đình nộp tiền, thoát án tử, đã diễn ra đầy kịch tính. Từ đấy đối chiếu với vụ Nguyễn Duy Linh, cấp thấp hơn Bộ trưởng Bắc Son, nhưng thế lực Duy Linh lại lớn hơn rất nhiều. Diễn tiến phiên tòa như trên tuy kỳ quặc thật nhưng lại “logic” theo trình tự: Nhận tội + Giảm nhẹ tại Phúc thẩm + Thi hành án 1/3 thời gian + Đặc xá… + Ẵm số tiền lớn (từ 4 triệu USD).

Mù mờ nhưng đúng kịch bản

“Đúng kịch bản” là đối với những người “nằm trong chăn”, biết chăn “rận” đến cỡ nào, biết “rận chúa” nằm ở những đâu? Hàng loạt các chi tiết cực kỳ quan trọng cho thấy kịch bản được duyệt trong “Họp án” hoàn hảo biết chừng nào! Có những tình tiết cực kỳ nhậy cảm nhưng Toà đã cố tình bỏ qua một cách khó hiểu. Thứ nhất, vẫn là khoản tiền 4 triệu USD, Vũ “nhôm” khai đã hối lộ Nguyễn Duy Linh, trước khi gửi khoản tiền 5 tỷ VNĐ. Với cơ quan điều tra, thật không khó để xác định đúng/ sai, để tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ, hỏi cung với Linh giúp tìm ra sự thực, nhưng tất cả như rơi vào hư không.

Thứ hai, liên quan đến sức khỏe bị cáo, tại sao Tòa không công bố nội dung công văn của bệnh viện, lực lượng y tế kiểm tra sức khỏe của Linh ở đâu ra, có quyền hạn trong tố tụng để giám định y tế hay không; bệnh gì liên quan cả “truyền nhiễm” mà không sợ lây ở tòa…? Người ta có quyền nghi ngờ câu chuyện sức khỏe chỉ là màn “câu giờ”, nhưng nếu Tòa và Viện kiểm sát không làm rõ thì không thể hiện sự nghiêm minh, thậm chí không loại trừ khả năng sau phiên tòa, bị cáo tiếp tục được “tạm giam” rồi “thi hành án” tại… bệnh viện.

Thứ ba, với Nguyễn Duy Linh, vị trí công tác hoàn toàn không thể quyết định được vấn đề tội trạng của Vũ “nhôm”, nên việc “chạy án” bắt buộc Linh phải liên hệ với các đối tượng khác có vị trí liên quan, thậm chí còn “cộm cán” hơn cả Nguyễn Duy Linh. Như vậy càng cho thấy yêu cầu cần biết Linh đã sử dụng số tiền ra sao, đưa cho những ai, những người ấy quan trọng tới mức nào. Không làm được những điều này, khả năng lọt tội với Linh và thoát tội với các đối tượng khác là rất có thể.

Thứ tư, bản án 14 năm tù với Nguyễn Duy Linh là quá nhẹ với một tội danh “nhận hối lộ” đã quy định khung rất rõ ràng: Chỉ từ 1 tỷ đồng trở lên là bị 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình (theo Bộ luật Hình sự 2015, Điều 354), trong khi Linh nhận (ít nhất) là 5 tỷ VNĐ. Đấy là chưa kể Linh còn thể hiện không thành khẩn khai báo và nhận tội trong suốt quá trình từ khi chưa khởi tố cho tới trước Tòa. Đó là tình tiết tăng nặng. Còn tình tiết giảm nhẹ, như báo nêu, cũng không thể giúp bị cáo được giảm nhiều tới mức đó được.

Cuối cùng lời khai, 10.000 tờ 500.000 đồng, nặng gần 9 kg, qua tay 5 người, “vượt” 23 km xuyên Thủ đô, qua 4 quận trên 2 xe biển xanh trước khi đến tay Tổng cục phó Nguyễn Duy Linh. Vậy mà Toà chấp nhận “suôn sẻ” không cần nhân chứng. Với tính chất quan trọng của công cuộc chống tham nhũng như vẫn quảng bá, thiết nghĩ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, Tiêu cực cần chỉ đạo cơ quan thẩm quyền kháng nghị bản án này. Xét xử vụ án Nguyễn Duy Linh lại thêm một trường hợp điển hình của cách xử các quan lớn trong chính quyền, khác xa với cách xử các vụ án hình sự và dân sự khác.


Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Tô Lâm và miếng thịt bò dát vàng.

 

Blog VOA

Trần Đông A

8-11-2021

Nguyễn Phú Trọng vừa ký chưa ráo mực Bản Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm, thì Tô Lâm làm chính xác một trong những điều ấy. Ảnh chụp màn hình

Đúng là “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”. Tô Lâm nhậu bít-tết dát vàng, Nguyễn Phú Trọng không đượᴄ miếng nào đã đành, mấy ngày rày đang phải vắt óc nghĩ kế dọn dẹp “đống phế” do Tô Lâm “thải” ra.

Nguyễn Phú Trọng vừa ký chưa ráo mực Bản Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm. Quy định này giữ nguyên 19 điều cũ, kế thừa cơ bản một số điểm còn phù hợp, bổ sung một số điểm mới. Chống lại các biểu hiện của suy thoái về đạo đức và lối sống hưởng lạc là một trong nội dung được ông Trọng nhấn mạnh. Hành vi “ăn chơi nhảy múa tới bến” của Tô Lâm ngay cuối tuần qua tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản đã “nhổ toẹt bãi nước bọt” vào Bản Quy định của ông Trọng.

Ngay lập tức, VOA có phóng sự nóng về “Video Bộ trưởng Công an ăn bít-tết dát vàng gây phẫn nộ”. Hãng tin ABC News/AFP đăng phóng sự đặc biệt cuối tuần, kèm theo hàng loạt bức ảnh và video với tựa đề “Người Việt Nam khó chịu khi xem hình đầu bếp “Thánh Rắc Muối” (Salt Bae) đút miếng bít-tết dát vàng vào mồm Bộ trưởng Công an. Tờ “Daily Mail” (Anh quốc) giật tít lớn: “Quan chức cộng sản Việt Nam bị bắt quả tang được bón một miếng bít-tết dát vàng trị giá 1.450 bảng Anh tại nhà hàng Salt Bae’s London”.

Còn dư luận trong nước thì khỏi phải bàn. Chỉ trong hai ngày cuối tuần, hàng mấy chục bài viết xuất hiện trên đủ các kênh truyền thông. Từ FB đến mạng xã hội, từ những blogger đến các “tuýt” của trí thức, nhà văn, kể cả các cựu chiến binh. Không thể kể hết ra đây những bài phân tích và bình luận xuất sắc cả về nghiệp vụ báo chí lẫn chính luận. Tất cả đều phác hoạ lên chân dung của Tô Lâm và đồng đảng, thô lậu và kệch cỡm. Hổ danh thành viên của đoàn chính phủ từ một đất nước nghèo mạt rệp, người dân phải lang bạt, vật vờ khắp thế giới kiếm sống. Đàn ông bán sức lao động làm thuê. Thất nghiệp thì làm tội phạm, buôn người, buôn ma tuý. Sung vào các băng đảng để giết người cướp của. Đàn bà bán thân làm nô lệ tình dục, làm kẻ cắp vặt ở siêu thị. Ấy thế mà vẫn là “xướng ngôn viên” trên Đài Truyền hình Trung ương cơ đấy!

Đầy tai tiếng cả về nhân cách, danh dự cá nhân lẫn thể diện quốc gia. Trong đoàn chính phủ nhà nước CSVN thăm châu Âu, Tô Lâm, một lần nữa lại lộ ra nhân cách thấp hèn. Chỉ biết có miếng ăn, không biết đến nhân dân đang khốn khó. Ở ngay nơi 39 người Việt Nam nghèo đói đi kiếm miếng ăn chết thảm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm “đớp” miếng thịt bò dát vàng hàng ngàn đô, rồi nhanh nhẩu, hăm hở đến “thành kính” dâng hoa tri ân ông thuỷ tổ cộng sản thế giới Karl Marx và thuỷ tổ cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh, bày tỏ “lòng trung thành vô hạn” với lý tưởng chống bất công, nghèo đói, mang lại ấm no hạnh phúc cho vô sản. Thật là, không chỉ tận cùng bất lương, Tô Lâm còn là hiện thân của sự tận cùng dối trá.

Thật ra cả ông Trọng lẫn Tô Lâm thừa những mưu hèn kế bẩn để dẹp vụ lùm xùm nói trên. Trước mắt cứ cho đàn áp thật dữ, xã hội sẽ bớt la lối. Phải bố trí tiếp đón Tô Lâm khi về đến Nội Bài thật hoành tráng để vô hiệu hoá mọi lời đàm tiếu về vụ ăn bít-tết. Tiếng nói phản kháng, dù quyết liệt đến mấy, của người dân lên án bộ đôi Trọng-Lâm trong cái nhà tù khổng lồ mang tên Việt Nam, hầu như rơi vào vô vọng. Trong những điều kiện bình thường “cũ”, Nguyễn Phú Trọng sẵn sàng tăng cường “khủng bố trắng”, bỏ qua cho Tô Lâm xi-căng-đan “bít-tết” kết vàng ròng ăn được ấy. Nhưng kẹt nỗi Quy định ông vừa ký chưa ráo mực mà Tô Lâm lại vô hiệu hoá bằng cách ấy đặt ông Trọng vào phép thử lưỡng nan. Hiện nay, ông vẫn cho Tô Lâm thẳng tay bắt bớ trí thức và đàn áp các tổ chức dân sự mà ông gọi đó là “bọn cặn bã trong xã hội”. Cả ông Trọng lẫn Tô Lâm hy vọng vào “bàn tay sắt” của cấp thừa hành.

Ngặt một nỗi hiện thời Liên hiệp quốc đang nỗ lực gây sức ép vụ Đoan Trang dữ quá. Rồi gần đây ngày càng xuất hiện quá nhiều những tiếng kêu oán thán, những “đoạn trường tân thanh” (tiếng kêu xé ruột) của các cựu chiến binh. Tù nhân lương tâm, nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch, 70 tuổi đang thụ án 12 năm tù, thay mặt họ, nhỏ lệ sám hối: “Thế hệ chúng tôi một thời chinh chiến/ Thắng lợi mang về là xua đuổi văn minh/ Thắng lợi mang về là làm khổ dân tình/ Đểu cáng lên ngôi tham lam và tội ác”. Bài thơ được cư dân mạng phụ hoạ: “Đọc mà nước mắt tuôn rơi/ Để thương, để nhớ một thời can qua/ Bao giờ dân chủ nước nhà/ Bài thơ sẽ được đưa ra giảng đường”.

“Đểu cáng lên ngôi – Tham lam và tội ác”. Đúng vậy! Có lẽ chưa bao giờ Tô Lâm và ĐCSVN của ông giành được một kỷ lục về truyền thông như cuối tuần qua, nhờ sự tham lam và tội ác của bọn họ bấy lâu nay. Hơn cả một Kỷ lục Guinness, ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Đề nghị các nhà sách phải thống kê cấp tốc để sau này khỏi thất lạc, vì một số bài viết trên các trang mạng ở trong nước sẽ bị bóc gỡ, hoặc can thiệp với mạng xã hội giúp bóc gỡ khi Tô Lâm về đến Việt Nam. Mà từ trời Âu, sau khi được biết dư luận xã hội về hành vi của mình, Tô Lâm vẫn nhắn tin về cho cánh đàn em: “Chờ tôi về sẽ gặp lại những người công tác ở các đơn vị cũ”. Thật là “tận cùng giả dối”. Đấy chẳng qua là ám hiệu để đàn em ở nhà lo chuẩn bị các “kịch bản” để Tô Lâm đối phó với ông Trọng và với dư luận trong nước về vụ bít-tết dát vàng.

Tô Lâm là một trong hai quan chức Việt Nam đang bị đưa vào chiến dịch vận động áp dụng Đạo luật Nhân quyền Matgnisky do 10 tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới xúc tiến. Hắn bị cáo buộc có vi phạm nghiêm trọng đối với các nhà đấu tranh vì nhân quyền. Hắn là một trong những kẻ đầu têu tại Bộ Chính Trị ĐCSVN trong vụ tập kích nông dân Đồng Tâm, đã ra lệnh tiến hành nhiều biện pháp chống nhân quyền. Đã cho trả thù về mặt kinh tế đối với các nhà hoạt động, gồm buộc chủ kinh doanh đuổi việc, hoặc đe dọa khách hàng của các nhà hoạt động, từ chối cấp hộ chiếu và cấm họ di chuyển bằng các bản án “bỏ túi”.

Thông cáo báo chí còn nêu rõ, trong hơn một thập niên vừa qua, các giới chức chính phủ Việt Nam tiếp tục xiết chặt quyền tự do biểu đạt và bức hại các nhà báo công dân, các nhà hoạt động xã hội. Tô Lâm đã thông qua địa vị của mình để ra lệnh đàn áp khủng khiếp, tra tấn dã man và bỏ tù hơn 500 tiếng nói đối lập. Đại diện của 10 tổ chức rồi đây sẽ gặp Liên minh châu Âu, Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội hai nước Anh cũng như Canada để kêu gọi họ áp dụng những biện pháp chế tài đối với các vị quan chức vi phạm nhân quyền khét tiếng hiện nay ở Việt Nam.

Ngoi lên làm thủ lĩnh của hơn 5 triệu đảng viên; giành dật, có khi nước mắt lã chã trước Đài truyền hình trung ương, để “trở thành Vua” của gần 100 triệu dân (dù chỉ tồn tại trong mấy tháng), Nguyễn Phú Trọng cũng đã trải qua một cách khá chật vật biết bao cuộc sát hạch lịch sử. Nhưng cuộc trắc nghiệm lần này lành ít dữ nhiều. Trọng đã chà đạp lên Hiến Pháp, bằng cách đặt Cương Lĩnh của ĐCSVN lên trên Hiến Pháp của Nhà nước CHXHCNVN. Và để nhốt quyền lực lại cho riêng bản thân mình, Trọng cũng đã “ngồi xổm” lên Điều Lệ Đảng (theo đó, lãnh đạo ĐCSVN không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ). Nhưng phép thử lần này xem ra khó nuốt nhất. Hãy đợi đấy! Nguyễn Phú Trọng “trảm” Tô Lâm thế nào sẽ biết được “gan của Tổng Bí thư” to đến đâu!


Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Paxlovid -Thuốc chữa Covid của hãng Pfizer ( Mỹ )

 

Trần Gia Huấn

7-11-2021

Thứ Sáu ngày 5/11/2021, Albert Bourla, Tổng Giám đốc Pfizer, thông báo: Cuộc chơi đã đổi chiều. Sự cố gắng của nhân loại để chống đỡ sức tàn phá của đại dịch đã thành tựu. Pfizer cho ra mắt loại thuốc ở dạng viên, uống, tiện lợi, giá vừa phải, tên là PAXLOVID™ có khả năng giảm thiểu số bệnh nhân nhiễm Sars-CoV-2 phải nằm viện hoặc tử vong tới 89%, sẽ đến tay bệnh nhân rất sớm.

Thành phần của PAXLOVID™

PAXLOVID™ được kết hợp bởi hai hợp chất PF-07321332 và Ritonavir. PF-07321332 nhằm mục đích ức chế sự sinh sản của virus. Nghĩa là, enzyme giúp cho virus nhân lên bị trung hòa. Virus không thể tăng lên về số lượng.

Ritonavir (có tên khác là Novir) đã được áp dụng trong điều trị HIV từ nhiều năm nay. Đội ngũ khoa học của Pfizer đã sử dụng liều thấp ritonavir nhằm vào mục địch giảm thiểu hoặc bẻ gãy quá trình chuyển hóa của virus, giúp cho cơ thể chống đỡ với virus hiệu quả hơn.

Kế quả thử nghiệm lâm sàng

Nhóm 1: Gồm những người nhiễm virus có triệu chứng đã ba ngày, và được chia thành hai nhóm  nhỏ hơn.

1.1) Nhóm sử dụng PAXLOVID™ thật cho kết quả 3/398 người (0.8%) phải nằm viện, không ai tử vong.

1.2) Nhóm sử dụng PAXLOVID™ giả (placebo) thấy 27/385 người (7.0%) phải nằm viện hoặc tử vong (7 người tử vong).

Nhóm 2: Gồm những người nhiễm virus có triệu chứng đã 5 ngày, và cũng được chia làm hai nhóm nhỏ hơn.

2.1) Nhóm sử dụng PAXLOVID™ thật cho kết quả 6/607 người (1.0%) phải nằm viện, không có tử vong.

2.2) Nhóm sử dụng PAXLOVID™ giả (placebo) cho kết quả 41/612 người (chiếm 6.7%) phải nằm viện với 10 người chết.

Bằng những thuật toán thống kê, Pfizer đưa ra kết luận, PAXLOVID™ có khả năng giảm số người nhiễm Sars-CoV-2 phải nằm viện, hoặc tử vong đến 89%.

Đây chỉ là một phần nhỏ những thử nghiệm lâm sàng mà Pfizer đã thực hiện trên khắp thế giới. Pfizer đang hoàn tất hồ sơ để chuyển đến U.S Food and Drug Administration (FDA) trước Lễ Tạ Ơn (28/11/2021) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Albert Bourla nói đây là tin vui lớn cho nhân loại. Ông đưa ra một con số để mọi người dễ hiểu: Thay bằng 10 người nhiễm virus phải đi nằm viện, giờ đây có PAXLOVID™ giúp, chỉ còn một người phải trông cậy tới nhà thương.

Sự khám phá ra PAXLOVID™ đúng một năm tròn kể từ ngày Pfizer tuyên bố sản xuất thành công mRNA vaccine chống Covid-19 vào 9/11/2020.

Bourla còn nói rằng, PAXLOVID™ sẽ cứu được hàng triệu người, nhưng ông vẫn nhấn mạnh vai trò quyết định của vaccine. Tuy vậy, vaccine không hiệu qủa 100%, số người chống đối vaccine cao, gây nên tình trạng bệnh viện bị quá tải.

Cho đến nay, chỉ có remdesivir được sử dụng điều trị corona virus, nhưng remdesivir truyền tĩnh mạnh, không thể dùng nó tại nhà.

Đại công ty dược MERCK của Mỹ cũng vừa cho ra đời MOLNUPIRAVIR ở dạng viên bọc (con nhộng), và đang đang chờ FDA duyệt. Nhưng tác dụng của MOLNUPIRAVIR giảm thiểu số nằm viện hoặc tử vong chỉ ở mức 50%.

Pfizer tuyên bố những tiêu chuẩn về đạo đức, an toàn, chất lượng, và công bằng trong mọi sinh phẩm của hãng. Với hơn 150 năm phát triển, Pfizer đã không mệt mỏi, không chùn bước, khám phá vươn lên trở thành đại công ty sinh dược được tin tưởng trên trái đất.

Pfizer sẽ áp dụng giá cả hợp lý với những quốc gia có thu nhập thấp để bảo đảm sự công bằng cho mọi người trên trái đất có quyền sử dụng những sinh dược phẩm của Pfizer.


Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Giai cấp mới

 Trần Trung Đạo

7-11-2021

Milovan Djilas là nhà nghiên cứu lý thuyết CS và từng là ủy viên Bộ Chính Trị đảng CS Nam Tư, Phó Chủ Tịch Nhà Nước CS Nam Tư, Chủ Tịch Quốc Hội CS Nam Tư. Sau khi phản tỉnh ông viết trong tác phẩm Giai Cấp Mới: Một Phân Tích Về Hệ Thống Cộng Sản xuất bản năm 1957 như sau:

“Trong một thời gian dài, đảng CS cố tình che giấu bản chất của mình. Quá trình hình thành của giai cấp mới không chỉ được che đậy bằng những thuật ngữ xã hội chủ nghĩa mà quan trọng hơn bằng hình thức sở hữu mới, sở hữu tập thể. …Bản chất giai cấp của hình thức sở hữu này được che đậy bằng bình phong quyền lợi của toàn dân tộc.“ (Theo Tủ sách Talawas, Phạm Minh Ngọc dịch theo bản tiếng Nga, 2005)

Cũng trong tác phẩm Giai Cấp Mới, Milovan Djilas viết: “Năm 1936, nhân dịp công bố Hiến pháp mới, Stalin tuyên bố rằng ở Liên Xô đã không còn giai cấp bóc lột, nhưng trên thực tế người ta không chỉ thực hiện xong quá trình thủ tiêu các nhà tư sản và các giai cấp khác của chế độ cũ mà còn thiết lập một giai cấp hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử.”

Nhưng câu này của Milovan Djilas mới là chí lý: “Các lãnh đạo Cộng sản xử lý tài sản quốc gia như của riêng họ, nhưng đồng thời họ cũng lãng phí nó như thể nó là của người khác.” (Theo quote.org)

Thời gian dài trôi qua từ khi tác phẩm ra đời nhưng bản chất của chế độ CS tại năm nước CS còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn đúng như Milovan Djilas nhận xét.

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng sự tiêu pha và lãng phí của giai cấp thống trị đã làm cho Việt Nam, một đất nước nhiều tiềm năng, thành là một nước nghèo so với tiêu chuẩn phát triển chung của thế giới. Trong suốt 47 năm qua, các thế hệ Việt Nam đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để nuôi dưỡng giai cấp thống trị hoàn toàn không làm một việc gì hữu ích cho xã hội ngoài hút máu dân tộc Việt.

Như nhiều người biết hôm nay, dưới chế độ CS, khái niệm “nhân dân làm chủ” chỉ là một chiếc bình phong để giai cấp của những kẽ thống trị, có toàn quyền xử dụng tài sản của đất nước như của chính mình, cũng như có toàn quyền lãng phí tài sản đất nước như không phải của mình.

Những nhận định của Milovan Djilas có thể áp dụng vào hai trường hợp mới vừa xảy ra, Nguyễn Thị Phương Thảo tặng 155 triệu bảng Anh và Tô Lâm ăn bò bít-tết ở nhà hàng của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe.

Như các báo loan tin, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tỉ phú Việt Nam đồng ý tặng 155 triệu bảng Anh cho Linacre College, một trường nhỏ thuộc hệ thống Đại Học Oxford. Theo thông báo của trường, với số tiền lớn được tặng, ngôi trường đang mang tên học giả nổi tiếng Thomas Linacre có thể sớm đổi thành Thao College. Một số học giả Anh như giáo sư Đại Học Oxford Marie Kawthar Daouda phê bình ý định đổi tên trường từ Linacre sang Thao với lý do Thomas Linacre là học giả nổi tiếng trong thời đại ông và không nên thay chỉ vì một thương gia cho nhiều tiền.

Việc tặng tiền cho một đại học là một nghĩa cử quen thuộc của những người giàu tại Mỹ, Anh cũng như các nước Tây Phương. Các tỉ phú Mỹ thường tặng tiền cho đại học, nhất là những trường mà họ xuất thân. Năm 2018, Michael Bloomberg tặng 1.8 tỉ dollar cho đại học Johns Hopkins tại Maryland.

Điểm khác nhau chính là các tỉ phú Anh, Mỹ sinh ra và làm giàu trên một đất nước vốn đã giàu hàng đầu thế giới trong mọi lãnh vực, nhất là giáo dục. Theo The Center for World University Rankings trong số 20 trường đại học tốt nhất thế giới có 17 trường là Mỹ, 2 là Anh và 1 là Nhật. Dò mỏi mắt xuống hạng 1.000 trường đại học được tổ chức này quan sát cũng không có một trường đại học Việt Nam nào.

Theo cách lý giải và hành xử của một người bình thường nếu bạn có lòng vị tha để tặng thì bạn nên tặng cho những nơi thiếu thốn nhất, cho những người cần nhất. Giá trị và tác dụng của món quà nhờ đó sẽ cao hơn và ý nghĩa hơn là tặng cho những nơi đang đầy đủ.

Mấy hôm nay, một làn sóng bất mãn, phê bình, mỉa mai, châm biếm bà Thảo đã “làm chuyện ngược đời”, “gánh củi về rừng”, “mua danh” v.v… Những người phê bình còn đưa ra những hình ảnh đau lòng của các em học sinh phải đu dây qua sông, bơi qua những khe nước chảy xiết, lội qua những con suối đầy đá nhọn để đến trường như một cách nhắc nhở cho bà Thảo thấy sự khác nhau giữa thực tế bi thảm của đất nước đã sinh ra bà và nền giáo dục hiện đại của Anh.

Họ cho rằng lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để xây những chiếc cầu, lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để dựng trường học, lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để cấp học bổng cho sinh viên học sinh nghèo và nhiều “lẽ ra” khác.

Những người phê bình bà Thảo tưởng là bà không biết. Không, chắc chắn bà đã thấy và đã biết nhưng thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của nhiều triệu tuổi thơ Việt Nam nghèo khó hay không là chuyện khác.

Là một tỉ phú, bà Thảo không muốn tên tuổi của mình gắn liền với một trường đại học dù lớn nhất Việt Nam nhưng vô danh trên thế giới.

Chuyện bà Thảo chưa xong. Hôm 3 tháng 11 vừa qua các mạng internet chuyền nhau video tướng Công An CSVN Tô Lâm ăn thịt bò bít-tếch dát vàng trị giá hơn một ngàn dollar. Nhìn cảnh Tô Lâm há miệng to cho đầu bếp nhà hàng Salt Bae hay còn gọi “Thánh rắc muối” đút miếng thịt bò trông vô cùng kệch cỡm, ghê tởm làm sao.

Ăn thịt là chuyện bình thường nhưng nhìn Tô Lâm ăn khó mà không tưởng tượng cảnh thú vật ăn thịt nhau trong phim động vật hoang dã. Đừng nói chi đang đại diện cho một nhà nước tại nước ngoài, một người lịch sự và tự trọng thường không làm vậy trong nhà hàng với nhiều thực khách chung quanh.

Những người Việt giận dữ lại lần nữa trưng bày những hình ảnh đau thương của hàng triệu người Việt tìm đường về quê tránh dịch với những cảnh chết chóc, đói khát, cực khổ không bút mực nào tả hết như một cách nhắc nhở Tô Lâm về thực trạng Việt Nam.

Theo họ, lẽ ra Tô Lâm biết ngay trong giờ phút ông đang ăn nhiều triệu người dân không có một chén cơm trắng để ăn, lẽ ra Tô Lâm nên biết trên cả nước nhiều người vẫn còn chết hay đang chờ chết vì nạn dịch, lẽ ra Tô Lâm nên biết hàng triệu trẻ thơ Việt Nam đang thiếu sữa trong tháng Mười lũ lụt này, và lẽ ra Tô Lâm không nên rắc muối lên vết thương của họ như anh chàng đầu bếp rắc lên miếng thịt bò mà Tô Lâm đang nuốt.

Chắc chắn là Tô Lâm đã thấy và đã biết nhưng giống như bà Phương Thảo, thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của đồng bào hay không là chuyện khác.

Milovan Djilas viết về bản chất, nguồn gốc lịch sử hình thành nên giai cấp mới, nhưng ông có thể đã sót một đặc điểm quan trọng, “giai cấp mới” còn gồm những con người ích kỷ, vô lương tâm và vô cảm.

Lấy Trung Cộng, nước CS đàn anh của CSVN làm ví dụ cho chính xác với điều kiện kinh tế. Bản chất giai cấp là lý do Trung Cộng mặc dù có nhiều tỉ phú hạng thứ hai trên thế giới sau Mỹ nhưng là nước được tổ chức Charities Aid Foundation xếp vào hạng ích kỷ nhất thế giới trong nhiều năm.

Năm 2019, Trung Cộng đứng hàng 126 trong số 126 quốc gia được tổ chức quốc tế này quan sát. Charities Aid Foundation kết luận “Trung Quốc là quốc gia duy nhất đứng hạng tệ hại nhất trong cả ba tiêu chuẩn gồm tình nguyện, giúp đỡ người khác và đóng góp hiện kim.” Trung Cộng còn đứng sau cả Congo, Palestine, Yemen, những dân tộc triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.

Nguyễn Thị Phương Thảo là sản phẩm của ý thức hệ CS nên đừng trách tại sao bà không rộng lượng với đồng bào mình mà dùng tiền đi mua danh một cách kệch cỡm đáng khinh.

Hôm qua, 6 tháng 11, 2021, tờ Daily Mail của Anh tố cáo bà Nguyễn Thị Phương Thảo và chồng không chỉ cấu kết với giới lãnh đạo của “chế độ CSVN thô bạo” mà còn có quan hệ với cả chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.

Nguyễn Thanh Hùng (chồng Nguyễn Thị Phương Thảo) và Tập Cận Bình. Ảnh trên mạng

Những đồng bạc, dù một đồng hay một tỉ, có được nhờ cấu kết với những kẻ gây nên tội ác chống lại con người trong trường hợp này là đảng CSVN, sẽ không được xem là đồng tiền chính đáng.

Đặc tính không chính đáng của đồng tiền thể hiện rất rõ nét và rất dễ nhận ra tại Việt Nam. Hãy nhìn vào những biệt thự nguy nga mà “giai cấp mới” này sống so với những túp lều không vách của đại đa số trong 97 triệu người dân để thấy khoảng cách trời vực giữa hai tầng lớp người trong cùng một đất nước. Một chính phủ có 110 thứ trưởng, 201 phó chủ tịch tỉnh và hàng ngàn vụ trưởng. Mục đích của bộ máy hành chánh cồng kềnh này chẳng qua là để hợp thức hóa vai trò của các cán bộ đảng, để qua đó chúng được chính thức lãnh lương, chính thức ăn hối lộ, chính thức tham ô và tham nhũng.

Tham nhũng dưới chế độ CS không phải phát xuất từ bản chất tham lam của một số người ở đâu cũng có thể có. Tham nhũng tại Việt Nam có tính đảng vì chính đảng CS tạo môi trường cho tham nhũng sinh sôi, nuôi dưỡng tham nhũng lớn và tạo điều kiện để tham nhũng hoành hành.

Đối diện với tầng lớp cai trị, bộ máy tuyên truyền và bạo lực trấn áp khủng khiếp và thường trực của chế độ CS đã biến phần lớn trong số 97 triệu người Việt còn lại thành một tầng lớp chỉ biết phục tùng.

Sự chịu đựng của nhiều triệu đồng bào trong mùa dịch vượt qua ngoài định nghĩa của khổ đau, bất hạnh và sợ hãi. Dù “mắt kẹt” ở Sài Gòn hay tìm cách về quê họ đều phải đối phó với những khó khăn chưa từng có trong đời.

Nhưng khác với Đông Âu trước đây hay Cu Ba mới đây, không có cuộc biểu tình nào ở Sài Gòn, không có chống đối nào trên đường đi dù có người phải đi bộ năm trăm cây số hay như anh thợ hồ Hồ Tám đi bộ 1.000 cây số từ Trà Vinh để về Huế trên vai vỏn vẹn một thùng mì gói.

Họ không bao dung nhưng đã mất hết khả năng chống đối. Trời hành họ còn biết kêu trời nhưng đảng hành thì không ai dám kêu đảng. Nhà tù đang chờ họ. Trấn áp đang chờ họ. Chết đói, chết khát đang chờ họ. Bộ máy kìm kẹp của đảng CS siết chặt đến mức làm tê liệt ý thức phản kháng của con người. Họ lầm lũi đi như đoàn nô lệ da đen sau nội chiến Mỹ đi tìm một nơi để gọi quê hương.

Hàng triệu người dân hôm nay có thể đã trở về trong căn nhà trơ trọi và bên ngoài mùa mưa đang đến, nước lụt đang dâng. Họ sẽ sống ra sao trong những ngày tháng tới. Có tiếng than, tiếng khóc nửa đêm nhưng tuyệt nhiên không có tiếng trả lời hay an ủi.

Nhưng một mai, khi đại dịch qua đi, những người dân bất hạnh kia lại sẽ vào thành phố tìm đường sống vì không còn gì để sống trên nơi chôn nhau cắt rốn. Và cứ thế, cuộc đời của tầng lớp người bị trị tại Việt Nam sẽ bị vùi dập trong trầm luân thống khổ cho đến chết.

Trước nỗi bất hạnh của dân tộc Việt, ai là người biết đau và ai sẽ là người biết nhục? Nguyễn Thị Phương Thảo ư? Tô Lâm ư? Không. Nếu biết đau và biết nhục bà Thảo đã không đem tiền để mua cái tên trường ở một đất nước xa xôi bỏ mặc cho nhiều triệu trẻ em Việt sống trong những điều kiện học hành tệ hại nhất thế giới. Nếu biết đau và biết nhục, ông Lâm đã không há miệng to để được đút ăn trong lúc một phần không nhỏ của đất nước không có ngay cả gói mì để ăn.

Những người biết nhục không phải Nguyễn Thị Phương Thảo, Tô Lâm, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc mà là những con người Việt còn có một lương tâm Việt Nam dù ở ngoài guồng máy hay vì lý do riêng phải tạm thời ở trong guồng máy.

Cách mạng dân chủ tại các nước cựu CS cho thấy, chính những người biết đau và biết nhục đã làm thay đổi vận mệnh đất nước họ. Khác nhau về thời gian và thời điểm nhưng Việt Nam cũng vậy. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh nhiều lần trong hoàn cảnh dù đen tối bao nhiêu vẫn còn có những người biết đau và biết nhục. Lần nữa trong tương lai, chính những người biết đau và biết nhục sẽ thay đổi vận mệnh Việt Nam.