Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

Đich đến của giáo dục là gì?





Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, chia sẻ quan điểm về triết lý giáo dục.
Một lần, khi đứng lớp giảng chuyên đề “Bàn về sự học”, một học viên bỗng hỏi tôi đầy băn khoăn: “Trong thời buổi bây giờ, em không biết phải dạy con em thành con người ra sao và không biết nhà trường nào có triết lý giáo dục rõ ràng cho con em học đây? Trường công thì có quá nhiều vấn đề, trường tư thì sợ họ chạy theo lợi nhuận, mà trường quốc tế thì lại sợ con mình nó thành… con Tây mất!”.
Những câu hỏi tương tự như thế tiếp tục được đặt ra cho tôi nhiều lần nữa, trong nhiều dịp khác nhau. Đại để giờ không biết dạy con ra sao, dạy trò như thế nào, mỗi trường mỗi kiểu, mỗi thầy mỗi cách, còn mình cũng có kiểu của mình.
Tôi đã trả lời bằng một câu hỏi “Theo anh chị, dạy con để làm gì?”. Họ trả lời “Để làm người”. Tôi hỏi lại “Thế làm người là làm gì?”. Hầu như ai cũng lúng túng và không trả lời được.
Điều đó khiến tôi nhận ra rằng, đã có vô số bài viết và không ít diễn đàn bàn luận, nhưng với nhiều người, “triết lý giáo dục”, “đích đến của giáo dục” vẫn còn là cái gì đó khá mơ hồ.
Theo tôi, đi tìm triết lý giáo dục chính là trả lời ba câu hỏi sau: Thế nào là con người? Chúng ta muốn tạo những con người như thế nào? Làm thế nào để tạo ra những con người như vậy?
Câu hỏi dạy con, dạy trò hay chọn trường ở trên thực chất là nỗi trăn trở về câu chuyện: Chân dung con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này rốt cuộc sẽ là gì, cụ thể như thế nào?
Mỗi người, mỗi nhà, mỗi trường, mỗi quốc gia đều có thể mô tả “chân dung” ấy theo kỳ vọng, nhận thức và cách thức của riêng mình. Cá nhân tôi cho rằng, con người với “nhân tính, quốc tính và cá tính” là đích đến của giáo dục.
“Nhân tính” là những đặc trưng văn hóa để phân biệt con người với “con khác”, phân biệt con người với những giống loài khác; khiến con người trở nên khác với muông thú, cỏ cây và máy móc. Đó phải là nhân quyền, nhân bản, nhân văn; là những giá trị có tính phổ quát và trường tồn, được nhân loại tiến bộ cùng chia sẻ như là “tự do, bình đẳng, bác ái”, hay “chân, thiện, mỹ”, chứ không bị giới hạn hay chi phối bởi những góc nhìn của quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hay thời đại.