BCT giới thiệu nhân sự quy hoạch hai năm trước đại hội là một cách làm mới nhưng để kết quả không như cũ thì Đảng phải công khai ngay danh sách cho dân giám sát.
Nếu “nhà nước thực sự là của dân” như Đảng tuyên bố thì nhân sự không phải là công việc nội bộ của Đảng. Phần lớn trong 200 con người được quy hoạch đó đang hoặc sẽ nắm giữ những quyền lực then chốt nhất của nhân dân. Nên nhớ là những Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng, Tất Thành Cang… đều được quy hoạch từ rất sớm.
Nhưng bản chất của “quy hoạch” vẫn là sự lựa chọn của các bậc cha chú. Ông Võ Văn Kiệt thường nói, “Lãnh đạo phải hơn người khác một cái đầu; nhưng khi không hơn người khác, họ thường có khuynh hướng chọn người kém mình một cái đầu”. Bộ máy cũ không những đẻ ra chính nó mà còn đẻ ra một thế hệ kế tục kém xa hơn nó. Đó là kết quả sinh sản của những cuộc hôn nhân cận huyết.
Hơn 70 năm qua đã có 3 thế hệ nắm quyền, cả ba thế hệ đều không có vai trò của dân thông qua những thiết chế thực quyền.
Thế hệ các bậc “công thần khai chế độ”, bao gồm những người cho dù xuất thân là vô sản, giang hồ hay trí thức, thì cũng đều là những người có khát vọng. Lựa chọn của họ có thể quăng quật đất nước qua biết bao tao loạn nhưng tham vọng của họ không tủn mủn như vàng bạc hay chức tước cho vợ con. Họ biết chuẩn bị một thế hệ kế tục “con đường” của mình.
Thế hệ được lựa chọn này có thể tính từ Phan Văn Khải, Nguyễn Đình Lộc, Đậu Ngọc Xuân… và những người tiếp theo như Đỗ Quốc Sam, Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc… Họ hoặc là có nguồn gốc trí thức hoặc được Đảng cho ăn học nhưng vẫn mang khí chất của những người trí thức.
Cho dù được chuẩn bị để “kế tục sự nghiệp”, nhưng khi họ cầm quyền cũng là khi Liên Xô sụp đổ. Nhiều người trong số họ tự giải phóng đầu óc mình ra khỏi tình trạng “bị cầm tù trong sự giáo điều”. Dù nhiều người không hẳn là liêm khiết, khí chất kẻ sỹ vẫn giúp họ đặt khát vọng quốc gia, dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân. Chính họ nhìn thấy sự lầm than chủ yếu vì “lỗi hệ thống” chứ không đổ cho chiến tranh, chia cắt.
Họ khôn ngoan cài cắm các khái niệm tích cực vào các văn kiện, rồi mềm dẻo “thể chế hoá” chúng. Hiến pháp 1992, Luật Đất Đai 1993, Luật Doanh Nghiệp 1999…, những chính sách mang dấu ấn của họ, đã thiết lập các hành lang pháp lý để VN có thể đặt chân đến cánh cửa của kinh tế thị trường. Họ là thế hệ thấu hiểu mô hình Xô – Viết, chính họ đã khôn ngoan biến công cuộc đổi mới của Đảng (từ 1986) – khởi xướng bởi những người từng là con đẻ của Xô – Viết – trở thành một công cuộc từng bước đưa VN thoát khỏi mô hình Xô – Viết.
Tiếc thay, họ thường nghiêng về kỹ trị hơn là chính trị. Họ thua ngay những người gần như cùng thời với mình như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng…